3 triệu đồng/mũi vắc xin: GĐ Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội nói gì?

Trước vụ việc vắc xin được hét với giá 3 triệu đồng/mũi tiêm, chúng tôi đã gửi bằng chứng cho ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ông Cảm cũng thấy bất bình.
Bảng giá dịch vụ tiêm chủng vắc xin tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội

Ông Cảm cho biết, theo quy định của ngành y tế, nghiêm cấm việc tiêm vắc xin tại nhà và ông Cảm cho biết sẽ yêu cầu Trung tâm y tế quận Ba Đình tiến hành xác minh và kỷ luật y tá tiêm chui vắc xin tại nhà.

Theo ông Cảm, hiện nay, Trung tâm y tế dự phòng chỉ có 2 cơ sở tiêm chủng vắc xin là 23 Nguyễn Viết Xuân, Hà Đông, Hà Nội và trung tâm 70 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội. Việc nghi ngờ vắc xin được nhân viên y tế “găm” lại để đưa ra ngoài tiêm, ông Cảm cho biết không thể có việc đó.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc: Vì sao tại các Trung tâm tiêm chủng luôn hết vắc xin mà các nhân viên y tế lại có thuốc để đi tiêm chui? Phải chăng nhân viên y tế móc nối với nhau tạo ra một “chợ đen” vắc xin? Ông Cảm cho rằng mình không rõ vì tại Hà Nội có nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Vắc xin họ trực tiếp liên hệ và ký hợp đồng với công ty cung ứng vắc xin chứ không phải mọi vắc xin trên địa bàn Hà Nội đều do trung tâm y tế dự phòng Hà Nội quản lý.

Để biết được nguồn vắc xin, ông Cảm cho biết phải yêu cầu nhân viên đó tường trình xem nguồn gốc vắc xin thì mới biết nguồn vắc xin đó từ đâu.

Dù tình trạng khan hiếm vắc xin vẫn chưa có lời giải, nhưng ông GĐ Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết người dân có thể tiêm vắc xin Quinvaxem. Hiện nay tại Trung tâm y tế dự phòng ở Hà Nội đều có tiêm vắc xin này. Từ 10/3 khi bắt đầu tiêm chủng vắc xin Quinvaxem tại các điểm tiêm chủng dịch vụ thì đã tiêm được 12 nghìn trẻ em. Việc người dân bỏ tiền ra tiêm vắc xin dịch vụ là rất lãng phí.

Trao đổi với chúng tôi, PGS Trần Đắc Phu – Cục trưởng cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định nếu phát hiện có trường hợp “làm tiền” vắc xin dịch vụ đối với mũi tiêm 6 trong 1 sẽ xử lý nghiêm minh. Ngoài ra, tiêm vắc xin không được phép tiêm tại nhà mà bắt buộc phải tiêm ở cơ sở y tế. Trường hợp tiêm “chui” là vi phạm quy định về tiêm chủng.

PGS Phu cho biết hiện nay nhiều người nhất là ở các thành phố Hà Nội, TP.HCM đều “sính” vắc xin dịch vụ, điều đó mới đẩy giá vắc xin dịch vụ 6 trong 1 lên cao và rơi vào tình trạng khan hiếm. Ông Phu cho biết vắc xin Quivaxem 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều an toàn. Vì vắc-xin Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào nên có số lượng kháng nguyên cao hơn.

Số trẻ được tiêm chủng bằng vắc-xin trong Chương trình TCMR Quốc gia luôn lớn gấp nhiều lần so với trẻ được tiêm vắc-xin dịch vụ. Năm 2014, có 1,6 triệu trẻ ra đời thì có tới 1,5 triệu trẻ được tiêm chủng vắc-xin trong Chương trình TCMR Quốc gia. Chỉ có 200 ngàn trẻ tiêm vắc-xin dịch vụ.

Lý do thiếu vì các nhà cung cấp vắc-xin dịch vụ sản xuất theo đơn đặt hàng. Đôi khi, có những mẻ sản xuất bị hỏng thì tới 6 tháng sau mới sản xuất ra được mẻ mới. Vì vậy, số lượng vắc xin này không ổn định như vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Mặt khác, trong năm 2014, nhiều nước đã đưa vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1 vào Chương trình TCMR nên nhu cầu sử dụng vắc-xin trên thế giới tăng đột biến... làm cho việc cung ứng hai loại vắc-xin này không đủ so với nhu cầu của người dân Việt Nam. Để không làm lỡ thời gian “vàng” tiêm chủng cũng như tốn kém chi phí không đáng có, ông Phu khuyến cáo cha mẹ nên đưa con đến các điểm tiêm chủng để tiêm cho trẻ.

Theo Theo Infonet