20 triệu đồng một con công đột biến lông

Chim công bình thường có giá 7 - 10 triệu đồng/con, trong khi đó, những con công màu đột biến có thể lên đến 15 - 20 triệu đồng.
Chim công đột biến màu ngũ sắc có giá 15 - 20 triệu đồng/con. Ảnh: Ngọc Lan.

Anh Giáp, chủ một trang trại chim cảnh ở Lý Nhân (Hà Nam) cho biết, chim công có mức giá khá cao, nhưng lại bán chạy nhất.

Hiện một con chim công con có giá 1,5 - 2 triệu đồng. Con màu lông đột biến, mã đẹp như đuôi dài, chân cao có thể lên 3 - 4 triệu đồng/con. Công trưởng thành giá đắt gấp nhiều lần, từ 7,5 - 10 triệu đồng/con, riêng con đột biến màu trắng, hoặc ngũ sắc giá dao động 15 - 20 triệu đồng.

Theo anh Giáp, giá chim công đắt là do việc nhân giống rất khó, hiệu suất ấp trứng thành công thấp. Ngoài ra, việc nuôi công con gặp nhiều rủi ro. “Phải chăm sóc hết sức tỉ mỉ, tạo môi trường sống và nguồn thức ăn để chim thuần với môi trường, đặc biệt những nơi mà khí hậu thay đổi liên tục, như ở miền Bắc”, anh Giáp nói.

Là người chơi chim cảnh hơn 10 năm nay, anh Giáp cho biết, chim lông màu đột biến, chân cao, thân dài, ức nở và mào dài là công quý, rất có giá trị. Tuy nhiên, do đặc thù khí hậu Việt Nam nên tỷ lệ nhân giống được công màu lông đột biến không hề dễ dàng.

"Trong tự nhiên, bình quân cứ 100 cá thể chim công được sinh ra sẽ có từ 1 đến 3 cá thể chim công đột biến ở dạng trên. Riêng ở môi trường nuôi nhân tạo bằng việc lai ghép, tạo đột biến từ cá thể chim bố mẹ người nuôi hoàn toàn có thể chủ động sản xuất được con giống chim công ngũ sắc, công trắng. Tuy nhiên tỷ lệ và khả năng thành công rất thấp”, anh Giáp cho biết.

Giá chim công đắt nhưng bù lại chi phí nuôi lại rất rẻ nên được nhiều mua. Ảnh: Ngọc Lan.

Chim công là loại ăn tạp, thức ăn chủ yếu của loại này gồm thóc, ngô, rau xanh kết hợp với cám tổng hợp dùng cho gia cầm. Thông thường, chi phí để nuôi một con ông trưởng thành chỉ hết 1.000 đồng/ngày. Đó cũng là lý do vì sao giá chim đắt đỏ nhưng người mua rất đông.

Do công thích nghi với môi trường tự nhiên, vườn rộng nên nhu cầu nuôi, chơi làm cảnh thường là một số hộ gia đình có điều kiện kinh tế, các khu vila, nhà vườn, khu du lịch sinh thái. Người chơi cảnh thường chọn nuôi con đực, vì chúng có màu đẹp và đuôi dài hơn.

Anh Sơn, một người chơi chim công ở Hà Nội cho biết, anh mua 2 con chim công màu ngũ sắc hơn 30 triệu đồng. Chim có sức đề kháng khá tốt, thích nghi với khí hậu miền Bắc và ăn không nhiều. Nhà ở ngoại thành nên anh Sơn thường cho chim ăn rau xanh, cá bắt trong tự nhiên nên chi phí nuôi không đáng kể. “Ngoài thú vui với cái đẹp thì chim công ngũ sắc còn mang lại sự may mắn, sức sống mãnh liệt cho những người trong gia đình. Nuôi công cảnh cũng không nhiều rủi ro và chi phí nuôi rất rẻ. Cũng theo tìm hiểu thì chim công có tuổi đời lên đến 30 năm”, anh Sơn nói.

Công là loài có bộ lông đẹp nhất trong tất cả các loài chim và được xếp là 1 trong 10 loài chim đẹp nhất hành tinh. Tại Việt Nam, chim công là loài chim quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam (Nhóm 1B). Do vậy, hiện nay, nguồn cung chủ yếu vẫn là bất hợp pháp (do săn bắt, nhập lậu, một số cá nhân nuôi sinh sản đơn lẻ không đựợc cấp phép…) nên việc mua bán, kiểm dịch chim công cũng khá phức tạp.

Để đáp ứng nhu cầu về con giống cho thị trường một cách ổn định và hợp pháp, những người nuôi như anh Giáp phải mất nhiều năm để xin giấy phép. Hiện số lượng công nuôi tại trang trại anh Giáp lên đến hơn 1.000 con, được cho là trại nuôi lớn nhất trong cả nước.

Theo Theo Zing