20 bức tranh trừu tượng của nữ họa sĩ múa ballet ở Hà Nội

TPO - Họa sĩ Hoàng Lan giới thiệu triển lãm cá nhân đầu tiên sau hơn 20 năm ấp ủ, đánh dấu chặng đường gắn bó với hội họa.

Từ diễn viên múa ballet thành họa sĩ, Hoàng Lan (đứng giữa) đã cầm cọ vẽ hơn 20 năm. Tại sự kiện khai mạc hôm 13/12 tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội, chị giới thiệu 20 tác phẩm trường phái trừu tượng gồm: Bình yên của tôi, Sự tin tưởng, Bay xa, Cuối con đường, Xoa dịu, Một ngày mới đến, Cầu nguyện, Tất cả chỉ mình tôi, Như tôi có thể, Nơi tôi sinh ra và lớn lên, Một ngày xanh…

Loạt tranh được chị ấp ủ, sáng tác những năm gần đây bằng nguồn cảm hứng từ những điều nhỏ bé và quen thuộc trong cuộc sống.

Chùm tác phẩm trong triển lãm “Ấn tượng” mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, bay bổng, phản ánh tinh thần nghệ thuật tự do, không bó buộc cảm xúc của nữ họa sĩ.

Hoàng Lan chia sẻ chị đam mê hội họa nhưng thích làm nghệ thuật một cách thong dong, thầm lặng. Có những tác phẩm chị xóa đi làm lại nhiều lần, đôi khi mất cả tháng chưa hoàn thành. Nhưng cũng có bức vẽ chỉ vài chục tiếng là xong nếu cảm xúc thăng hoa, đủ đầy.

Là mẹ của bốn đứa trẻ, quỹ thời gian của Hoàng Lan được chia nhỏ cho gia đình, lớp dạy múa ballet, sở thích dạo phố và uống cà phê, bên cạnh hội họa. Chị cho biết cuộc sống tất bật, không có thời gian nghỉ giúp hình thành tính cách năng động, linh hoạt.

Với chị, vẽ chỉ đơn giản là bày tỏ ra những điều bên trong mình lên tranh, không cao siêu, xa vời.

Hoàng Lan sinh năm 1979 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. 8 tuổi, chị học ballet tại Học viện Múa Việt Nam sau đó đầu quân cho nhà hát năm 16 tuổi. Năm 22 tuổi, chị lén cha mẹ ôn thi vào Đại học Mỹ thuật Việt Nam vì nhận ra tình yêu hội họa sau những lần dạy năng khiếu cho lũ trẻ trong lớp thiện nguyện ở nhà văn hóa. 20 năm qua, ballet và hội họa cùng chiếm phần quan trọng trong đời sống của Hoàng Lan.

Triển lãm “Ấn tượng” của Hoàng Lan kéo dài đến hết ngày 22/12, mở cửa tự do. Chị mong các tác phẩm của mình đến gần hơn với khán giả, “tự đối thoại” cùng người xem chứ không bó buộc vào tình cảm, tâm tư của họa sĩ.

Ảnh: BTC.