Phòng chống xâm hại trẻ em

17 cơ quan bảo vệ, trẻ em vẫn bị xâm hại

TP - “Vụ việc cháu bé tự tử ở Cà Mau phải đến khi Thủ tướng chỉ đạo, dư luận lên án thì cơ quan chức năng mới vào cuộc nhiệt tình; hay vụ Nguyễn Khắc Thủy đến mức Chủ tịch nước phải có ý kiến. Vậy những vụ dư luận không lên án, lãnh đạo cấp cao không chỉ đạo thì sao”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu câu hỏi trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (ngày 5/6) về công tác bảo vệ và xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em trong phiên tòa xét xử. Ảnh: PV.

“Đau đớn vụ cháu bé ở Cà Mau tự tử”

Dẫn lời dạy của ông cha rằng: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đau đớn nêu lại vụ việc xâm hại tình dục xảy ra ở Cà Mau, trong đó nạn nhân “đã kể” nhưng không ai nghe, không ai tin. “Đến khi cháu tự tử rồi thì mới khởi tố vụ án. Lúc đó thực sự chúng ta mới thấy là sai lầm. Chúng ta không nên để câu chuyện như thế tiếp tục xảy ra”, ông Nhưỡng bức xúc lên tiếng. Theo ông, hiện có đến 17 cơ quan phụ trách vấn đề bảo vệ trẻ em nhưng dường như các gia đình nạn nhân vẫn “rất đơn độc”. “Tôi mong muốn bộ có thái độ kiên quyết hơn nữa với các cơ quan để cùng vào cuộc. Hôm nay tôi cũng mong muốn các cơ quan tố tụng kiên quyết trả lời các câu hỏi về vụ việc cháu bé ở Thủ Đức nghi bị xâm hại tình dục. Đây là vụ việc tôi cho có nhiều dấu hiệu mờ ám, chính tôi gặp cử tri và nghiên cứu kỹ vụ này”, ông Nhưỡng nói.

Cho rằng, vấn đề xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề bức xúc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết các giải pháp mạnh mẽ để chặn đứng tình trạng này. Bà Nga đồng thời cũng yêu cầu các cơ quan tư pháp cho biết giải pháp để giải quyết những bế tắc trong việc chứng minh các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. ĐB Nguyễn Quang Tuấn kiến nghị: “Các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em đòi hỏi phải vào cuộc sớm, nếu không các bằng chứng trôi mất theo thời gian”.

Khẳng định hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em là “tương đối đầy đủ”, nhưng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, nhiều vụ việc để kéo dài, xử lý chưa nghiêm minh. Thậm chí, có vụ việc chỉ đến khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước có ý kiến thì mới xem xét, xử lý. Về trách nhiệm cá nhân, ông Dung khẳng định, hầu như những vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt những vụ việc nghiêm trọng bộ đều lên tiếng. “Nhiều vụ việc tôi trực tiếp báo cáo Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng để xin ý kiến. Có những vụ việc cá nhân tôi trực tiếp trao đổi. Ví dụ như vụ Nguyễn Khắc Thuỷ dâm ô trẻ em, ngay buổi sáng khi kết thúc phiên toà, tôi đã điện thoại xin gặp trao đổi trực tiếp với Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình. Hay vụ diễn viên Minh béo sau khi bị xét xử và về nước vẫn tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hoá nghệ thuật, hoạt động liên quan đến trẻ em, cá nhân tôi và Bộ cũng có ý kiến về vấn đề này”, ông Dung giải thích.

Không dừng lại ở “quyết tâm”

Được mời báo cáo thêm về công tác bảo vệ và xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, đây là vấn đề rất bức xúc nên trong phòng chống, xử lý phải đảm bảo tính đồng bộ, hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo yêu cầu đấu tranh, chứ “không dừng lại ở quyết tâm”. Khi phát hiện các vụ việc thì xử lý nghiêm minh để răn đe, giáo dục chung. Từ đó, ông Trí cho rằng, muốn bảo vệ trẻ em hiệu quả thì việc phối hợp giữa 17 cơ quan có chức năng phải đồng bộ. “Trong số các cơ quan đó thì cần phải có nhạc trưởng thế nào, phát hiện xử lý ra sao để đảm bảo nghiêm minh thì sắp tới các cơ quan cân nhắc, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công thì rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp xử lý”, ông Trí nói.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, có một số vụ bạo hành trẻ em, xâm hại tình dục phải trả hồ sơ, hủy vì không đủ chứng cứ, án truy xét, không có người làm chứng. Bên cạnh đó, thời gian từ khi xảy ra vụ việc đến khi phát hiện rất lâu, gia đình, nạn nhân ngại khai báo, thậm chí còn che giấu không hợp tác với cơ quan điều tra... Về giải pháp, ông Bình cho biết, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa, giảm tỷ lệ những vụ phải trả hồ sơ. Bên cạnh đó, ban hành các quy định về xây dựng toà án thân thiện, toà gia đình với yêu cầu thân thiện với trẻ vị thành niên khi vụ án xảy ra, trong đó có án xâm hại tình dục trẻ em. “Các vụ xâm hại thế này thì phải xét xử kín, thậm chí không phải ra toà, có thể thẩm phán xét xử qua hệ thống micro để ổn định tâm lý”, ông Bình nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

2.000 trẻ bị xâm hại mỗi năm chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Con số 2.000 trường hợp/ năm trẻ em bị xâm hại, trong đó 1.300 đến 1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm. Phó Thủ tướng đề nghị phải có quy trình điều tra, xét xử thực sự thân thiện, để nạn nhân và gia đình dám trình bày, tố cáo. Cạnh đó, phải có quy định để các nhà tâm lý, các nhà hoạt động xã hội được tham gia ngay từ đầu, khi sự việc xảy ra. “Không được coi trẻ em như ngày xưa là “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Bây giờ là văn minh, trẻ em bị xâm hại cần lên tiếng và được bảo vệ một cách đúng đắn”.

“Hiện có đến 17 cơ quan phụ trách vấn đề bảo vệ trẻ em nhưng dường như các gia đình nạn nhân vẫn “rất đơn độc”

 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Chưa làm hết trách nhiệm

Không hài lòng với phần trả lời, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tranh luận lại rằng, trong các vụ việc xâm hai tình dục trẻ em có việc khó chứng minh trong các vụ án bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em. Nhưng cũng có vấn đề từ việc cơ quan chức năng không tích cực vào cuộc. Vậy những vụ dư luận không lên án, lãnh đạo cấp cao không chỉ đạo thì sao? Đề nghị cơ quan tư pháp làm rõ”, bà Nga nêu câu hỏi.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, do việc tố cáo, trình báo tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường chậm nên công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, củng cố chứng cứ gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp không khắc phục được, ảnh hưởng tới kết quả điều tra, xử lý tội phạm. Trong khi đó, xâm hại tình dục trẻ em thường là vụ việc có tính nhạy cảm nên nạn nhân và người thân thường giấu kín, không tố giác, có trường hợp đối tượng thực hiện hành vi nhiều lần, trong thời gian dài mới bị phát hiện, có trường hợp nạn nhân và gia đình thiếu hợp tác với Cơ quan điều tra trong việc cung cấp chứng cứ, xử lý tội phạm. Hầu hết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em không có nhân chứng trực tiếp, trẻ em bị xâm hại tình dục còn nhỏ tuổi, năng lực nhận biết còn hạn chế, tâm lý dễ bị tác động, hoảng loạn về tinh thần nên khai báo chưa chính xác...

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tăng cường giáo dục, truyền thống đạo đức để tuyên truyền. Đặc biệt Bộ Công an cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy trình điều tra đặc biệt đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em để bảo đảm việc điều tra, xử lý kịp thời và hiệu quả.             

VK