14 năm chưa tìm được tác phẩm đạt giải Đặc biệt báo chí quốc gia

TPO - Theo ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, 14 năm tổ chức Giải báo chí quốc gia, chưa có tác phẩm thực sự nổi trội để đạt giải đặc biệt.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi

Chiều 15/6, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia tổ chức họp báo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV năm 2019.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí quốc gia 2019 đã chấm 140 tác phẩm thuộc 11 loại giải báo chí, được lựa chọn từ 1602 tác phẩm đủ điều kiện tham gia vòng sơ khảo. Giải có hơn 110 đơn vị cấp hội và 230 cộng tác viên, tham dự 11 loại giải; trong đó có 52 đơn vị Liên chi hội và Chi hội trực thuộc; 59/63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố tham dự.

Các tác phẩm tham dự Giải phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2019 như tiếp tục thực hiện Nghị quyết ĐH lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết 04 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; các nghị quyết, chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ trong năm 2019; các hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam 2019…

Cùng với đó, các tác phẩm cũng phản ánh về xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công tác giảm nghèo bền vững; các vấn đề xử lý cán bộ sai phạm trong công tác cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý đất đai, quản lý giáo dục; nạn tín dụng đen; những đề tài truyền thống như lịch sử, văn hóa, an ninh, quốc phòng, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến; những vấn đề mới như khuyến khích thúc đẩy kinh tế tư nhân, sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng đô thị thông minh, cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động tới cuộc sống, phòng chống thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội.

“Nhiều tác phẩm được thể hiện bài bản, công phu, chuyên nghiệp, mang tính phát hiện, tính phản biện tốt, đi đến tận cùng vấn đề, có hiệu quả xã hội mạnh mẽ, tích cực, có sức ảnh hưởng, lan tỏa cao”, ông Lợi nói.

Theo kết quả công bố của Ban Tổ chức, quá trình chấm chung khảo được thực hiện đúng điều lệ và quy chế làm việc, thể thức bỏ phiếu của hội đồng giải. Trong số 140 tác phẩm được vào vòng chung khảo, Hội đồng đã chấm chọn được 103 tác phẩm báo chí xuất sắc gồm 9 giải A, 21 giải B, 41 giải C và 32 giải Khuyến khích. Trong 11 loại hình, có 2 loại giải không có Giải A gồm Ảnh báo chí và Phát thanh.

“Trong 9 giải A đó, chúng tôi cũng đặt vấn đề xem có tác phẩm nào nổi trội, đặc biệt xuất sắc để đạt giải Đặc biệt, nhưng không có”, ông Lợi nói, đồng thời cho biết, đã 14 năm tổ chức Giải báo chí quốc gia nhưng không có tác phẩm nào đạt giải Đặc biệt.

Ông Lợi chia sẻ, tác phẩm đạt giải Đặc biệt theo quy chế được lựa chọn từ các tác phẩm đạt giải A. Tác phẩm phải có tính phát hiện, lan tỏa được thông điệp ra cuộc sống, có nội dung, hình thức thể hiện tốt, có tính chiến đấu, khẳng định, tôn vinh cái tốt đẹp, đấu tranh, phê phán cái tiêu cực.

“Những năm qua cũng có nhiều tác phẩm viết về công tác phòng chống tham nhũng rất tốt, nhưng cũng chưa đủ thuyết phục để đạt giải Đặc biệt. Hy vọng mùa giải sau có các tác phẩm đạt được các tiêu chí kể trên để đạt giải Đặc biệt”, ông Lợi nói thêm.  

Ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, nếu có đề cử giải Đặc biệt trong số các giải A, sẽ tiến hành bỏ phiếu kín để lựa chọn. “Trong các năm qua, chưa có tác phẩm nổi trội để có đề cử giải Đặc biệt”, ông Dung thông tin.

Lễ tổng kết và trao giải Giải Báo chí Quốc gia 2019 diễn ra vào 20h ngày 21/6 tại Nhà Hát lớn Hà Nội, trực tiếp trên VTV1 và VOV1.

Báo Tiền Phong đạt hai giải C

Theo thông tin từ Hội đồng Giải báo chí quốc gia, báo Tiền Phong đạt 2 giải C giải Báo chí quốc gia năm 2019 gồm loạt bài Lùm xùm xét Giáo sư, Phó Giáo sư của tác giả Nghiêm Huê và loạt bài Sự cố ô nhiễm nước sạch sông Đà của nhóm tác giả Trọng Đảng, Trần Hoàng, Trường Phong, Hoàng Mạnh Thắng, Nguyễn Hoài.