Nhân Ngày Thế giới phòng chống bệnh Lao ( 24. 3.2015), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam kêu gọi các cam kết bền vững trong cuộc chiến chống lại bệnh Lao và các hành động nhân rộng để chống lại bệnh lao kháng thuốc. “Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, Việt Nam phải tiếp tục duy trì những nỗ lực của mình để tiếp tục giảm gánh nặng bệnh lao. Song song đó, WHO sẽ tiếp tục làm việc với Chương trình phòng chống Lao Quốc gia để giới thiệu các loại thuốc mới và công nghệ mới để giải quyết những thách thức liên quan như là bệnh lao kháng thuốc” Quyền đại diện WHO, ông Jeffery Kobza cho biết.
Một trong những kẻ giết người hàng đầu thế giới và có tính lây nhiễm là bệnh Lao do vi trùng lao Mycobacterium gây ra, thường gây ảnh hưởng đến phổi nhiều nhất. Vi trùng lao lây lan từ người này sang người khác qua không khí. Khi người bị nhiễm lao ho, những người khác hít phải vi trùng và có thể bị nhiễm lao. Bệnh lao chủ yếu ảnh hưởng tới những người trưởng thành trẻ tuổi ở những năm họ có năng suất lao động cao nhất. Tuy nhiên, tất cả các nhóm tuổi đều có nguy cơ. Quan trọng nhất là bệnh Lao có thể chữa trị và phòng ngừa được.
Từ năm 2000, chương trình điều trị bệnh lao đã cứu sống hàng trăm ngàn người ở Việt Nam - bao gồm bệnh nhân lao và những người đã có thể bị bệnh lao và không được điều trị. Số ca tử vong và tỷ lệ mắc bệnh lao đã giảm hơn 50% kể từ năm 1990.
Dù đã đạt được thành công này, bệnh Lao vẫn còn nhiều thách thức lớn. WHO ước tính có đến 130.000 ca mắc bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2013 (144/100.000 dân số). Bệnh Lao tập trung ở các quần thể dân số dễ bị tổn thương, chẳng hạn như dân di cư, trẻ em, người già và người nghèo. Việc phát hiện ra các ca mắc bệnh lao này có thể còn gặp nhiều khó khăn hơn so với ở nhóm dân số chung.