Liên quan việc xử lý các vấn đề tồn tại, vướng mắc ở 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Chính phủ và Quốc hội cho biết, từ tháng 12/2016 đến nay, Ban Chỉ đạo, Bộ Công Thương và các bộ ngành đã ban hành tổng cộng 120 văn bản chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn tại, vướng mắc ở 12 dự án này. Trong đó, Văn phòng Chính phủ ban hành 25 văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo và của lãnh đạo Chính phủ. Bộ Công Thương ban hành 38 văn bản, các bộ ngành, cơ quan liên quan ban hành 57 văn bản.
Song song với việc xây dựng, thực hiện các phương án xử lý khó khăn của các dự án, Ban Chỉ đạo đã giao cho các cơ quan chức năng (Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ) tập trung điều tra, thanh tra, kiểm toán để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở các dự án.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong số 12 dự án, tới thời điểm hiện nay, có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón, DQS và Nhà máy thép Việt Trung); 3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam); 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ - PVTex).
Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16.126,02 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8.614 tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13.066 tỷ đồng.