Chiều 5/2, lễ diễu hành Tết Nguyên tiêu thu hút hàng nghìn người theo dõi dọc các tuyến đường trung tâm Quận 5.
Lễ hội Tết Nguyên tiêu diễn ra với hoạt động diễu hành của gần 1.000 diễn viên quần chúng.
Tết Nguyên Tiêu không chỉ là tết thuần tuý mang thú vui thưởng ngoạn mà còn mang ý nghĩa tâm linh lớn lao. "Nguyên tiêu" có nghĩa là đêm vọng đầu tiên của năm mới. Vào dịp Nguyên Tiêu, mọi người thường đi chùa, miếu để cầu cho một năm bình an, khỏe mạnh và phát tài phát lộc.
Theo đại diện ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TPHCM, lễ hội Nguyên tiêu được tổ chức hàng năm nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, tính nhân văn, tình đoàn kết gắn bó giữa đồng bào Việt - Hoa, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của nhân dân thành phố.
Với những giá trị đặc sắc, lễ hội Nguyên tiêu đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ cuối năm 2019.
Các hoạt chính của Lễ hội Nguyên tiêu năm 2023 gồm diễu hành cung nghinh Quan Thánh xuất môn tuần du qua các cung đường tại Quận 5 (diễn ra ngày 2/2), Đêm thơ Việt Nam (tối 4/2 tại công viên Văn Lang, Quận 5), diễu hành nghệ thuật đường phố với các đoàn nghệ thuật quần chúng, lân sư rồng tại một số tuyến đường trung tâm Quận 5 (ngày 5/2), Đêm hội Nguyên tiêu ( tối 5/2 tại khu vực Trung tâm Văn hóa Quận 5), Tuần lễ ẩm thực Dimsum (từ ngày 1 đến 7/2 tại Trung tâm Văn hóa Quận 5), hoạt động biểu diễn văn nghệ kịch, lân sư rồng tại chợ Bình Tây (Quận 6) và Trung tâm Văn hóa quận 11 (từ ngày 2 đến 5/2)...
Điểm xuất phát bắt đầu từ vòng xoay bưu điện Chợ Lớn (Quận 5, có tượng đài Phan Đình Phùng) thuộc trục đường Hải Thượng Lãn Ông.
Người dân tập trung tại một trạm xe buýt trên đường Châu Văn Liêm theo dõi lễ diễu hành.
Ở cuối đường Châu Văn Liêm, đoàn diễu hành rẽ phải vào đường Lão Tử để đi ngang Ôn Lăng.
Trước đó, các diễn viên quần chúng là con em thuộc cộng đồng người dân tộc Hoa ở TPHCM cũng tập trung từ đầu giờ trưa để hóa trang, chuẩn bị cho buổi diễu hành diễn ra lúc 17h.
Lễ diễu hành là cơ hội quy tụ nhiều đoàn lân-sư-rồng lớn về tham gia, biểu diễn, lễ tạ thánh thần...
Lực lượng hậu cần đang gia cố lại dây bó chân cho diễn viên đi cà kheo.
Bạn Lâm Mỹ Ngọc (ngụ Quận 6, hơn mười năm tham gia làm diễn viên đội diễu hành) tranh thủ uống ngụm nước trước khi diễu hành. Ngọc trong vai nhân vật Hàn Tương Tử, ông là người Xương Lê, đời Đường. Theo truyền thuyết, Hàn Tương Tử là cháu của văn họa gia nổi tiếng Hàn Dũ. Tương truyền ông cũng là bạn của Lã Động Tân, nhờ đó mà tu tiên. Hàn Tương Tử có sáo thần và biệt tài thổi sáo, sáng tác được những bài nhạc êm dịu. Đặc biệt, tiếng sáo thu hút được những điều tốt lành, chẳng hạn cây cối sẽ trở nên tốt tươi, mọc nhanh khi ông thổi sáo.
Nụ cười tươi của một "tiên nữ".
Bạn Cao Trương Quy trong hình hài nhân vật Trương Quả Lão (một vị tiên chuyên về thuật sĩ cùng những lĩnh vực huyền bí). Hình ảnh ông gắn liền với cái trống cơm, con lừa. Khi cưỡi, ông ngồi ngược, khi không cưỡi thì ông sẽ gói con lừa vào một cái bị cói đeo ở sau lưng. Trên tay ông còn mang một nhạc cụ giống ống tre, vừa đi vừa thong dong ca hát. Trương Quả Lão tượng trưng cho sự thông thái, minh mẫn đối với người lớn tuổi trong nhà).
Bạn Hứa Trúc Quân trong vai Tào Quốc Cữu vui vẻ chào người dân (Tào Quốc Cữu là con ruột của Tào Thái hậu, đời vua Tống nên gọi là Quốc Cữu). Ông có nghề gõ phách nhịp nên còn được người đời xưng tụng là ông Tổ của các kịch sĩ, diễn viên. Tào Quốc Cữu kết thân với Lã Động Tân và Hán Chung Ly nhưng sau đó lại từ bỏ vinh hoa, phú quý để tu tiên. So với các vị tiên khác, cách ăn mặc của ông khác biệt, khi mặc áo nhà quan ở ông toát lên sự cao quý. Do đó, Tào Quốc Cữu tượng trưng cho công danh sự nghiệp thăng tiến, mọi việc đều thuận lợi.
"Hơn 10 năm rồi tôi tham gia lễ diễu hành với nhiệm vụ là quân kỳ dẫn đầu. Tôi và các anh em thuộc đội nhạc cổ truyền Sư Trúc Hiên chuẩn bị hơn một tuần cho sự kiện này" - Quân kỳ Huỳnh Hữu Minh (60 tuổi, ngụ Quận 6) chia sẻ.
Rất đông người dân tập trung hai bên đường và đang tham gia lưu thông trên đường Hải Thượng Lãn Ông bị thu hút bởi đoàn diễu hành. Tết Nguyên Tiêu được tổ chức chủ yếu tại các Hội quán - nơi thờ tự của cộng đồng bà con dân tộc Hoa. Các nhân vật được thờ tại các Hội quán như Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh, Ông Bổn (Phước Đức Chính Thần), Kim Long (các vị thần thuộc tín ngưỡng Tam Nguyên - Tam Quan), các vị thần người Hoa…
Chương trình diễu hành nghệ thuật đường phố diễn ra từ 17h-18h30 với gần 1.000 diễn viên diễu hành qua các tuyến đường: Hải Thượng Lãn Ông – Châu Văn Liêm – Lão Tử - Lương Nhữ Học – Nguyễn Trãi – Trần Xuân Hòa – Trung tâm Văn hóa quận 5. Thông qua lễ hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Hoa được giữ gìn và phát huy. Không gian văn hóa lễ hội là dịp để thể hiện, giới thiệu, lưu giữ các truyền thống văn hóa đặc sắc. Nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn, chế tác, kỹ thuật, sản vật đặc sắc, truyền thống được tạo ra và giới thiệu tại lễ hội. Lễ hội thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham gia, đem lại lợi ích về văn hóa, kinh tế cho cộng đồng.
Một đoàn diễu hành tháp tùng cùng chữ "
Phúc" với ý nghĩa mang lại an yên, hạnh phúc, may mắn đến muôn nơi.
Tháng 1/2020, Lễ hội Nguyên tiêu đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo UBND TPHCM, việc tổ chức lễ hội Nguyên tiêu là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa tại quận 5”.
Cuối
đường Lão Tử không còn một khoảng trống, hàng nghìn người dân tập trung về hướng Ôn Lăng theo dõi lễ hội.
Chú lân này dừng biểu diễn vài giây để cho cô bé sờ lấy may.
Trước mỗi địa điểm đặc trưng của Quận 5, các đoàn diễu hành đều dừng lại biểu diễn bài ngắn phục vụ khán giả.
Lễ hội Nguyên tiêu ngoài ý nghĩa truyền thống mà cộng đồng người Hoa mang theo trong quá trình di cư đến vùng đất mới, còn là sự hòa quyện với văn hóa Việt. Lễ hội Nguyên tiêu tổ chức với quy mô lớn tại quận 5, TPHCM từ năm 1990. Từ năm 2000, Lễ hội Nguyên tiêu đã được TPHCM đưa vào danh mục lễ hội của thành phố. Vào năm 2007, ngày hội văn hóa người Hoa do Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) tổ chức với quy mô toàn quốc. Lễ hội sử dụng nông lịch, kết thúc năm cũ, mở ra năm mới với nhiều phong tục, nghi thức, đoàn tụ gia đình, vui chơi, xuất hành làm ăn…
Vào dịp Tết Nguyên tiêu, các đường phố khu vực Chợ Lớn ở quận 5 đông nghẹt người, nhất là các hội quán như Tuệ Thành, Nghĩa An, Quỳnh Phủ… Tiếng chiêng trống, kèn, nhạc náo nức, say mê thúc giục mọi người vui chơi hết mình. Những màu sắc nổi bật của trang trí, cờ phướn, áo quần làm rực rỡ cả khu phố. Trong những ngày này, không khí lễ hội, Tết luôn tràn ngập các khu phố. Dọc theo các tuyến đường Nguyễn Trãi,
Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục, Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM)… nhà nhà treo đèn đỏ trước cửa để chào mừng.
Phạm Nguyễn