10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2021

TP - Năm 2021 khép lại khi thế giới vẫn đang hy vọng có thể quay lại cuộc sống bình thường cũ. Cùng Tiền Phong nhìn lại 10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất năm qua.

1.Ông Joe Biden chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ

Ngày 6/1, đám đông biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào làm loạn trong trụ sở Quốc hội Mỹ để cản trở quy trình chính thức phê chuẩn ông Joe Biden trở thành tổng thống. Sau một kỳ bầu cử đầy rẫy mâu thuẫn, vụ việc này đã được trù tính, nhưng mức độ xảy ra vượt quá tưởng tượng của cả người Mỹ lẫn bên ngoài. Cuộc bạo loạn làm cho hình ảnh nước Mỹ xấu đi rất nhiều, cho thấy xã hội Mỹ bị phân hóa sâu sắc sau cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 và vụ người đàn ông da màu George Floyd chết dưới đầu gối cảnh sát. Nó cũng cho thấy sự chia rẽ và mâu thuẫn đảng phái đã lên đến đỉnh điểm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp trực tuyến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

ngày 15/11 Ảnh: Getty

Ngày 20/1, ông Biden tuyên thệ trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, sau một mùa bầu cử đầy kịch tính. Ông phải đối mặt với những nhiệm vụ nặng nề là sửa lại hình ảnh nước Mỹ sau vụ đập phá và vực dậy nền kinh tế Mỹ với những tổn thất to lớn mà người dân và doanh nghiệp phải hứng chịu khi đại dịch COVID-19 càn quét quốc gia này.

2. Đại dịch COVID-19 TIẾP TỤC TÀN PHÁ

COVID-19 tiếp tục phủ bóng lên tất cả các hoạt động của thế giới trong năm 2021. Sau khi có vắc xin từ cuối năm 2020, các quốc gia nỗ lực giành giật nguồn vắc xin còn ít ỏi của thế giới để tiêm cho người dân của mình, với hy vọng sớm trở lại cuộc sống bình thường. Trong cuộc đua vắc xin càng phơi bày tình trạng bất bình đẳng, khi các nước giàu có đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và có nguồn dự trữ thì nhiều quốc gia đang phát triển và thu nhập thấp mới chỉ tiêm được cho một phần nhỏ dân số.

Giữa sự bất bình đẳng đó, biến chủng Omicron với rất nhiều đột biến xuất hiện ở miền nam châu Phi trong thời gian gần cuối năm. Với khả năng vượt qua kháng thể do vắc xin tạo ra hoặc ở những người đã khỏi COVID-19, Omicron có nguy cơ sẽ lấn át biến chủng Delta và đẩy thế giới vào một làn sóng mới.

3.Taliban trở lại cầm quyền, Mỹ sơ tán khỏi Afghanistan trong hỗn loạn

Kế hoạch rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan đã được Mỹ lên kế hoạch từ thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng khi thực hiện lại cực kỳ hỗn loạn và bị động, vì bản thân Mỹ cũng ngỡ ngàng trước đà chiến thắng quá nhanh của Taliban cùng sự thất bại quá mau lẹ của chính quyền và lực lượng mà Mỹ đã tốn công của xây dựng nên ở Kabul.

Sự trở lại của Taliban khiến một bộ phận người dân Afghanistan hoảng sợ tìm đường chạy ra nước ngoài, gây nên cảnh tượng hỗn loạn ở sân bay Kabul, khiến Mỹ và các nước phương Tây chật vật xử lý trong khoảng thời gian hạn hẹp.

4.Chính biến ở Myanmar, bà Aung San Suu Kyi bị bắt giam

Ngày 1/2, quân đội Myanmar do Thống tướng Min Aung Hlaing đứng đầu đã phế truất chính phủ dân sự của Tổng thống Win Myint, với cáo buộc đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ gian lận trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020. Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều thành viên của nội các và quốc hội bị bắt giam. Tiếp nối sau đó là hàng loạt cuộc biểu tình trên khắp cả nước với sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội Myanmar. Quân đội thẳng tay trấn áp, khiến hơn 1.000 dân thường thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt, theo số liệu của Liên Hợp Quốc. Trong phiên toà gần cuối năm, bà Suu Kyi bị kết án 4 năm tù, sau được giảm xuống 2 năm.

Mỹ và các nước phương Tây áp các biện pháp trừng phạt, thúc giục quân đội Myamar khôi phục tiến trình dân chủ và trả tự do cho những người bị bắt. ASEAN họp và đề ra kế hoạch đồng thuận 5 điểm.

5.Khép lại kỷ nguyên của bà Angela Merkel

Ngày 8/12, Quốc hội Đức chính thức bầu ông Olaf Scholz, 63 tuổi, người của đảng Dân chủ xã hội (SPD), làm thủ tướng Đức, kết thúc 16 năm lãnh đạo liên tục của bà Angela Merkel và mở đường cho một chính phủ liên minh với những quan điểm mới về các vấn đề của thế giới, trong đó có quan hệ với Trung Quốc.

6.Cấp cao Trung - Mỹ trực tuyến đầu tiên thời ông Biden

Ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp trực tuyến đầu tiên. Hai bên phải mất tới 10 tháng mới đi đến cuộc gặp kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, để trao đổi quan điểm về hàng loạt bất đồng đã kéo quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong mấy thập kỷ.

Cuộc gặp diễn ra giữa ngổn ngang mâu thuẫn, nhất là vấn đề Đài Loan, vũ khí hạt nhân, cạnh tranh ảnh hưởng… nên cả Washington và Bắc Kinh đều không kỳ vọng nhiều về kết quả, nhưng thể hiện hai bên không muốn để mâu thuẫn vượt tầm kiểm soát.

7.Hai cuộc thượng đỉnh Mỹ - Nga và khủng hoảng ở biên giới Ukraine

Thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden diễn ra vào tháng 6, khi quan hệ hai nước được đánh giá là đã xuống đáy. Cuộc gặp từng được ví như một “cơn gió mát”, khi hai bên hiểu rõ quan điểm và giới hạn của nhau và điều này được kỳ vọng giúp tình hình giảm nhiệt. Nhưng trong những tháng cuối năm, căng thẳng nóng trở lại vì khủng hoảng ở biên giới Ukraine.

Trong cuộc gặp trực tuyến ngày 7/12, ông Biden cảnh báo người đồng cấp Nga rằng phương Tây sẽ áp “các biện pháp kinh tế mạnh và những thứ khác” nếu Mátxcơva tấn công Ukraine. Còn ông Putin yêu cầu một sự bảo đảm rằng NATO sẽ không mở rộng hơn nữa về phía đông. Tình hình sau cuộc gặp vẫn tiếp tục căng thẳng khi Nga cố ngăn Ukraine gia nhập NATO.

8. Trung Quốc thông qua nghị quyết lịch sử, dấu ấn ông Tập Cận Bình

Ngày 11/11, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua nghị quyết với 7 nội dung chính, trong đó đề cập nhiều đến vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng bí thư-Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Đây là lần thứ ba một nghị quyết lịch sử được thông qua kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập năm 1921 (hai lần trước vào năm 1945 và năm 1981).

Trong năm qua, ông Tập Cận Bình ghi dấu ấn với khẩu hiệu “thịnh vượng chung”, kêu gọi các tập đoàn lớn và người giàu trả lại của cải cho xã hội. Chính quyền thực hiện hàng loạt chiến dịch chấn chỉnh hoạt động của các nghệ sĩ, hạn chế các tập đoàn công nghệ, can thiệp sâu hơn vào đời sống xã hội như quản lý giờ chơi game, trẻ em học thêm…

9.Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên chiến lược của Mỹ

Năm 2021, Mỹ nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của Washington. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Phó Tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Antony Blinken có các chuyến thăm đến khu vực nhằm nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ, sau khi có những băn khoăn từ việc Washington rút khỏi Afghanistan, đồng thời củng cố và tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.

10. Thượng đỉnh khí hậu COP26

Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Anh, với sự tham dự của tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Hội nghị đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow, với việc tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris.