10 năm nữa Triều Tiên mới có thể tung ra ICBM nhiên liệu rắn

TPO - Một chuyên gia về phòng thủ tên lửa cho biết: Triều Tiên sẽ mất ít nhất một thập kỷ nữa mới có thể tung ra tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn do nước này còn thiếu kinh nghiệm.

Chuyên gia phòng thủ tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) ông Michael Elleman mới đây đã đăng tải một bài phân tích về chương trình tên lửa Bình Nhưỡng trên trang North 38 – website chuyên về Triều Tiên trụ sở tại Mỹ.

Theo ông Elleman, động cơ nhiên liệu rắn lớn nhất và đã được thử nghiệm của Triều Tiên tính đến thời điểm này là động cơ của tên lửa đạn đạo Pukguksong.

Động cơ của Pukguksong nặng khoảng 6 đến 7 tấn, trong khi đó, động cơ của ICBM nặng khoảng 20 tấn. Quá trình nghiên cứu tăng khối lượng động cơ từ 6 tấn đến 20 tấn sẽ mất từ 7 đến 10 năm.

“Triều Tiên có thể rút ngắn quá trình này một vài năm bằng cách “đi đường tắt” và phải chấp nhận tên lửa sẽ giảm hiệu suất hoạt động cũng như độ tin cậy”, ông Elleman cho biết. “Nhưng với sự thiếu kinh nghiệm tương đối của nước này với việc sản xuất động cơ nhiên liệu rắn, thì một chiếc ICBM sử dụng nhiên liệu rắn sẽ chỉ có thể hoàn thiện trong ít nhất 10 năm nữa.”

Cũng trong bài báo của mình, chuyên gia Elleman đã phân tích bức ảnh Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đứng cạnh một thùng composite màu đồng lớn trong chuyến thăm mới đây tại Viện Vật liệu Hóa học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc phòng Triều Tiên.

Theo ông Elleman, chiếc thùng lớn, có đường kính khoảng 1,4 đến 1,5m thực chất là một loại vỏ động cơ tiên tiến, nhẹ và được thiết kế để chứa nhiên liệu rắn.

Chiếc thùng lớn, có thể là vỏ động cơ tên lửa được ông Elleman nhắc đến trong bài viết trên trang North 38. Ảnh: Rodong Sinmun

Ở một bức ảnh khác, Chủ tịch Kim được cho là đang xem xét chiếc máy sản xuất vỏ động cơ composite. “Không rõ chiếc máy này có thể sản xuất vỏ động cơ đường kính lớn hơn 1,5m hay không. Nếu không, Triều Tiên cần một chiếc máy lớn hơn để sản xuất vỏ động cơ đủ lớn cho ICBM. Các bộ phận của động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn bao gồm vỏ bọc, nhiên liệu rắn, thiết bị tạo lửa và một số thứ khác”, ông Elleman nói.

Chiếc máy được cho là máy sản xuất vỏ động cơ composite. Ảnh: Rodong Sinmun

Về loại tên lửa mới có tên Pukguksong-3 xuất hiện trong loạt ảnh chuyến thăm của Chủ tịch Kim, ông Elleman cho biết loại tên lửa này có thể là phiên bản cải tiến của tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn Pukguksong-1 và 2.

Hình ảnh mô phỏng động cơ Pukguksong-3 xuất hiện trên tấm áp phích ở bên phải bức ảnh. Ảnh: Rodong Sinmun

“Nếu Triều Tiên làm chủ quy trình sản xuất, tuần thủ quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, duy trì chuỗi cung ứng sợi filament và nhựa cần thiết thì tên lửa Pukguksong-3 có thể đạt được tầm bắn 2.000km. Tầm bắn hiện tại của Pukguksong-1 và 2 là khoảng 1.200km”, theo ông Elleman.

Theo Theo Yonhap