Đừng đặt ra vấn đề điểm thấp, đừng để học sinh thương tổn
Theo công bố điểm chuẩn của các tỉnh thành trong cả nước, điểm trúng tuyển nhiều trường thấp "tới đáy" khi chỉ lấy 2,9 điểm cho 3 môn thi trong khi đó điểm chuẩn có trường cao chót vót, trên 40 điểm.
Năm nay, điểm trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập ở Thanh Hóa khiến nhiều người bất ngờ khi 55/88 trường có mức dưới 20 điểm.
Đặc biệt, có những trường điểm chuẩn nằm ở “đáy”, học sinh chỉ đạt trung bình dưới 1 điểm/môn vẫn trúng tuyển đó là trường THPT Lang Chánh (huyện Lang Chánh). Điểm Toán và Văn nhân hệ số 2. Như vậy, thí sinh chỉ cần đạt trung bình 0,58 điểm/môn đã trúng tuyển vào trường này.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội)
Các trường lấy điểm chuẩn thấp từ dưới 5 điểm đến 9 điểm như Trường THPT Thường Xuân III lấy 4,6 điểm; Trường THPT Lê Lai: 5 điểm; Trường THPT Ba Đình: 6,3 điểm,...
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng,chúng ta cần thừa nhận một điều, chất lượng chung của giáo dục là không đồng đều. Những vùng sâu vùng xa, nhất là những vùng không được đầu tư về giáo viên thì chất lượng đến đâu là trân trọng đến đấy thôi. Ngành giáo dục phải có trách nhiệm “đẩy” những vùng này lên.
Điểm chuẩn thấp “chạm đáy” ở đây có vấn đề cần quan tâm là việc xây trường để cho học sinh học và tạo mọi điều kiện để học sinh đến trường học. Điều này là quan trọng chứ điểm thấp hay cao là một thứ chúng ta tham khảo. Còn quan điểm của tôi học ở vùng dân tộc thiểu số đã đến trường học là quý lắm rồi và thầy cô ở đó phải vất vả khi dạy các em.
TS Tùng Lâm chia sẻ, đừng đặt ra vấn điểm thấp thì ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà phải đặt ra là trong điều kiện nào thì phải cho học sinh đến học. Thậm chí, các em không đủ điểm chuẩn cũng cần cho các em đến học bằng cách dạy trước cho học sinh. Chứ không thể chăng dây thẳng hàng như ở dưới các thành phố lớn được.
“Đừng để những học sinh ở đây thương tổn nữa, đằng nào họ cũng kém rồi. Đừng thi cử nữa mất thì giờ. Đưa người ta vào điều kiện giúp đỡ là chính. Trong học tập sự tự kiểm tra của trò của thầy quan trọng hơn rất nhiều các kì thi chứ không phải thi nọ thi kia mới đúng đâu”- TS Tùng Lâm quan điểm.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội)
Thi hay buông lỏng?
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, khi thấy điểm chuẩn vào các trường quá thấp như vậy thì cảm giám thấy buồn và lo lắng. Nhưng khi biết đó là vùng thiếu thốn, thiếu điều kiện học tập, điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất thì rõ ràng đó là chuyện bình thường. Nhưng thầy Bình chỉ băn khoăn sao lại quá thấp như vậy?
“Liệu thầy cô có biết hay không, đã có giải pháp gì cho các em như tăng thời lượng, bổ trợ kiến thức cho các em, giảm lượng chương trình, tập trung vào những kiến thức cơ bản trọng tâm nhất để các em có được những kiến thức cơ bản nhất để đi thi chưa?”- thầy Bình chỉ ra.
Vị nguyên Hiệu trưởng của trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đặt ra cậu hỏi, liệu ngành giáo dục, các giáo viên ở đó được tập trung tốt nhất giúp các em học tập chưa? Sau vụ việc điểm chuẩn quá thấp này, ngành giáo dục ở địa phương, trường có đánh giá rút kinh nghiệm và liệu chúng ta có thay đổi được không? Chúng ta phải trả lời được câu hỏi đó. Chứ cứ để năm nay như thế này năm sau vẫn như thế thì rõ ràng không được.
“Điểm thi vào lớp thực ra các kì thi là đánh giá lại chất lượng dạy học một cách thực chất, khách quan nhất để từ đó thấy được chất lượng dạy và học để từ đó tìm ra nguyên nhân từ đâu có kết quả như vậy. Vì thế, phải rà soát lại từ đội ngũ giáo viên, điều kiện học tập, nội dung chương trình dạy và học, cơ sở vật chất phục vụ của từng địa phương, từng nhà trường, từng gia đình, học sinh”- thầy Bình nói.
Thầy Bình nêu quan điểm, ở mức độ nào đó cần phải có kì thi để kiểm tra đánh giá năng lực của học sinh. Ở đây kết quả kém như vậy thì theo tôi chúng ta phải xem lại là nguyên nhân ở đâu để chỉ được ra, chứ không thể nào có kết quả không rồi nguyên nhân ở đâu không biết. Đây là kết quả của năm nay hay những năm trước cũng vậy. Ví dụ, kết quả điểm thấp như vậy nếu trong điều kiện nào đó chúng ta vẫn phải dạy và học chứ không phải thấy điểm thấp như vậy là xét tuyển bằng học bạ.
“Chúng ta chỉ có xét học bạ thì nảy sinh rất nhiều vấn đề trong điều kiện thực tế của Việt Nam. Ngay việc thầy cô cho điểm có sự chênh lệch, và rất khó kiểm soát việc đánh giá điểm trong nhà trường. Ở mỗi kì thi chuyển cấp hoặc kì thi vào 10 tôi vẫn ủng hộ là phải thi”- thầy Bình nêu quan điểm.
Cũng theo thầy Bình, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân ở đâu? Đây là vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa có điều kiện học tập thì phải giải pháp phù hợp nhưng không có nghĩa là buông lỏng để cho các em dù không học mà vẫn được lên lớp. Khi chúng ta có một cái đánh giá bằng một trình độ, năng lực nào đó, học sinh không được 8,9 thì cũng phải được 5 điểm chứ không thể nào buông lỏng.
Với điều kiện đặc biệt như vậy có thể xem xét ở mức độ nào đó có thể chúng ta vẫn có những kì thi để có “mốc” để các em nhảy và vượt qua, cái mốc để nhà trường đánh giá thực chất học sinh. Tăng lên thời lượng, bổ sung kiến thức của các em để đưa ra giải pháp để giúp các em tiến bộ. Nếu chúng ta không đánh giá thì không biết mức độ học sinh ở mức độ nào và học sinh thiếu gì và chúng ta cần làm gì để giúp các em có năng lực chứ không thể nào chúng ta đào tạo ra trình độ công dân quá thấp, quá kém thì rõ ràng không hiệu quả trong học tập tiếp theo sau này.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, năm 2019 điểm chuẩn vào lớp 10, THPT hệ công lập sẽ có tổng điểm cao nhất là 36,5 điểm và thấp nhất là 4 điểm. Điểm chuẩn vào lớp 10 THPT hệ công lập ở Thanh Hóa, giữa các trường chênh lệch nhau rất cao. Chuẩn đầu vào thấp như, Trường THPT Quan Sơn 4,2 điểm; THPT Quan Hóa 6,3 điểm; THPT Bá Thước 9,4 điểm…
Năm 2018, điểm chuẩn của các trường ở Thanh Hóa vẫn có sự chênh lệch tuy nhiên vẫn cao hơn dao động từ 17,6 đến 33,8