Cục Đường bộ Việt Nam vừa có công điện khẩn gửi các Khu Quản lý đường bộ I, II; các sở GTVT các tỉnh khu vực phía Bắc, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và các doanh nghiệp BOT…
Theo đó, ngoài yêu cầu các đơn vị tiếp tục khắc phục hậu quả do mưa lũ sau bão số 3, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục sự cố cầu Phong Châu trên QL.32C (tỉnh Phú Thọ) và các tuyến quốc lộ, đường cao tốc…bị ảnh hưởng do mưa lũ, sạt lở đất, thiên tai gây ra.
Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, cơ quan công an, cứu hộ, cứu nạn chủ động đánh giá tình trạng kết cấu hạ tầng đường bộ để có phương án phân luồng giao thông sang tuyến khác đối với những tuyến đường mất an toàn.
Đặc biệt, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu kiên quyết tạm dừng khai thác các công trình cầu không bảo đảm an toàn do thiên tai, cầu có mực nước dâng cao, lưu tốc dòng chảy lớn, cầu yếu… Các địa phương cần dừng khai thác tại các vị trí ngầm, tràn nước ngập, chảy xiết; các đoạn đường bị sụt lở đứt đường, bến phà, cầu phao mức nước sông, lưu tốc dòng chảy lớn quá quy định.
Với các tuyến đường hư hỏng, trong trường hợp phân luồng người và phương tiện giao thông sang các tuyến khác phải có biện pháp tổ chức giao thông phù hợp; hạn chế giao thông; tránh tập trung nhiều người và phương tiện cùng tham gia giao thông, bổ sung các báo hiệu đường bộ và các biện pháp an toàn khác.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục lưu ý các đoạn đường dấu hiệu sạt lở ta luy, vị trí có nguy cơ đá lăn, đất sụt; vị trí đã sạt lở lấp một phần mặt đường nhưng chưa khắc 3 phục xong; kiểm tra đánh giá các công trình an toàn giao thông, các loại báo hiệu đường bộ để sửa chữa, thay thế, bổ sung kịp thời.
Hiện, nhiều địa phương đã cấm hoặc hạn chế các phương tiện lưu thông qua cầu có nguy cơ mất an toàn. Hiện Hà Nội hạn chế phương tiện qua cầu Chương Dương; Phú Thọ cấm cầu Trung Hà, Thái Nguyên cấm Cầu Bợ, Bắc Giang cấm cầu sắt qua sông Thương....