Ngày 14/11 Sở Y tế TPHCM đã có văn bản gửi UBND TPHCM và Bộ Y tế kiến nghị các giải pháp nhằm giúp các bệnh viện tại thành phố ổn định và phát triển. Cụ thể, Sở Y tế kiến nghị UBND TPHCM duy trì cơ chế hỗ trợ nguồn ngân sách bổ sung cho quỹ cải cách tiền lương đủ để thực hiện Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND đối với các bệnh viện gặp khó khăn về chênh lệch thu chi (không đủ nguồn để chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên).
Ngoài ra, kiến nghị Thành phố cần có cơ chế hỗ trợ các bệnh viện công lập được phép tự tổ chức cung ứng các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh trong khuôn viên của các bệnh viện (như bãi giữ xe, căn tin…), bệnh viện tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động này. Đồng thời cũng kiến nghị thành phố xem xét và thí điểm cơ chế về điều tiết quỹ phát triển sự nghiệp trong khối các bệnh viện công lập, giữa các bệnh viện có số dư cao ngoài nhu cầu phát triển của bệnh viện và bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn có nguồn trích lập thấp không đủ đáp ứng yêu cầu phát triển cơ bản của bệnh viện.
Trong bối cảnh khó khăn khi bệnh viện thực hiện tự chủ, Sở Y tế kiến nghị TPHCM lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện. Thành viên Hội đồng tư vấn bao gồm đại lãnh đạo các sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Tư pháp. Hội đồng sẽ hướng dẫn, tư vấn những vướng mắc liên quan đến hoạt động tự chủ tài chính của bệnh viện, đồng thời tham mưu lãnh đạo thành phố các giải pháp giải quyết khó khăn liên quan.
Sở Y tế cũng kiến nghị thành phố cho phép thí điểm chuyển đổi mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện tương ứng với loại hình tự chủ của bệnh viện. Các bệnh viện sẽ triển khai hội đồng quản lý 2 cấp thay vì chỉ có ban giám đốc bệnh viện như hiện nay.
Để giải quyết khó khăn về nguồn thu, Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành cơ chế chính sách trong xây dựng kết cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ, bổ sung tiền thuế đất vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Trong thời gian chờ bổ sung thì ngân sách hỗ trợ các bệnh viện công lập đóng khoản tiền thuế đất theo quy định của pháp luật.
Trong văn bản kiến nghị UBND TPHCM và Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM cho rằng, những khó khăn của các bệnh viện đang có cùng nguyên nhân là xuất phát từ cơ chế tự chủ tài chính.
Theo đó, sau 20 năm chuyển đổi và vận hành cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện tại TPHCM chưa gắn liền với đổi mới cấu trúc bộ máy quản lý bệnh viện dẫn đến những hệ lụy, sai sót, vi phạm các quy định của pháp luật… làm lãng phí nguồn nhân lực, kìm hãm sự phát triển của các bệnh viện.
Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022 tại TPHCM có gần 1.300 nhân viên y tế làm việc trong hệ thống y tế công lập đã nghỉ việc. Dự báo thời gian tới số người nghỉ việc sẽ tiếp tục tăng nguyên nhân chính là do thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống.
Sau đại dịch COVID-19, bệnh nhân đến khám và điều trị chưa phục hồi khiến nhiều bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện đa khoa đối mặt với khó khăn khi không còn nguồn tích lũy, quỹ phát triển sự nghiệp “teo tóp”, thậm chí về mức âm. Trong khi bệnh viện chuyên khoa thì có điều kiện phát triển thuận lợi vì hoạt động khám chữa bệnh ít lệ thuộc vào bảo hiểm y tế. Điều đó dẫn tới sự mất cân bằng trong thu nhập giữa nhân viên y tế các bệnh viện công lập với nhau.