Cuộc tấn công hôm 4/8 là một trong những vụ kịch tính nhất, khi chiếc xuồng không người lái trên biển nhắm vào cảng lớn của Nga cách Ukraine hàng trăm dặm, khiến một chiến hạm của Nga bị hư hại.
Những vụ như vậy làm chuyển hướng chú ý khỏi chiến dịch phản công đang gần như giậm chân tại chỗ của Ukraine, và đưa chiến tranh quay về đất Nga.
Kiev không phải không chịu rủi ro nào khi thực hiện những cuộc tấn công như vậy, và phương Tây vẫn cảnh giác với các dấu hiệu leo thang.
Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky cảnh báo rằng chiến tranh “đang dần quay lại” Nga, sau khi xảy ra hàng loạt vụ tấn công bằng thiết bị không người lái mà Mátxcơva cáo buộc Kiev thực hiện.
Ukraine thường không nhận trách nhiệm trực tiếp về các cuộc tấn công, dù thái độ của họ trở nên rõ ràng hơn trong những tuần gần đây.
Bộ trưởng chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov, người phụ trách chương trình mua sắm thiết bị không người lái của đất nước, gần đây nói rằng sẽ có nhiều cuộc tấn công bằng thiết bị không người lái hơn khi Kiev tăng cường phản công trong mùa hè này nhằm đẩy quân đội Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine.
Rất khó để xác định chính xác thiết bị gì đã được sử dụng trong các cuộc tấn công vào Nga gần đây, vì cả Kiev và Mátxcơva đều từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Theo các chuyên gia, các máy bay không người lái (UAV) mang đầu đạn khá nhỏ, nên cũng chỉ gây thiệt hại hạn chế.
Chủ yếu tuyên truyền
Điều quan trọng là chưa có manh mối nào cho thấy những thiết bị đó là do phương Tây tài trợ . Vì thế, Ukraine có vẻ tự sản xuất những UAV như vậy, nhằm gửi thông điệp quân sự đến người Nga.
“Về cơ bản, việc đó thể hiện rằng Mátxcơva không nằm ngoài tầm tấn công”, Keir Giles, một chuyên gia về Nga tại Chatham House, nói với CNN.
Theo nhà phân tích này, Kiev chấp nhận tác động quân sự hạn chế của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, vì họ chỉ muốn thay đổi quan điểm và thái độ của người dân Nga đối với cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.
Giới chức Ukraine nói công khai về yếu tố tuyên truyền của các cuộc tấn công. Ông Yurii Ihnat, phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Ukraine, cho biết các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mới nhất vào Mátxcơva là nhằm tác động đến người dân Nga, nếu họ cảm thấy rằng chiến tranh đã lùi xa.
“Luôn có thứ gì đó bay ở Nga, cũng như ở Mátxcơva. Bây giờ chiến tranh đang ảnh hưởng đến những người không quan tâm”, ông Ihnat nói.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) tại Mỹ viết trong bản cập nhật gần đây rằng chính quyền Nga sẽ phải trấn an và động viên dư luận trong nước, để duy trì ủng hộ của người dân đối với chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.
Bên cạnh mục tiêu tuyên truyền, việc tấn công Nga bằng thiết bị không người lái không phải không có rủi ro đối với Kiev.
Hậu quả tức thì là hành động trả đũa. Các tỉnh thành của Ukraine thường hứng loạt tấn công dồn dập sau những vụ Ukraine đưa UAV sang Nga. Tuy nhiên, Ukraine đã quen với những cuộc không kích như vậy.
Mối bận tâm của Kiev là phương Tây phản ứng thế nào. Cách đây 1 năm, viễn cảnh Ukraine đưa thiết bị không người lái vào Nga là điều không tưởng, do thỏa thuận ngầm giữa các quốc gia NATO và Kiev rằng phương Tây sẵn sàng ủng hộ Ukraine nhưng không được kéo NATO vào xung đột trực tiếp với Nga.
Chưa có bằng chứng cho thấy Ukraine dùng vũ khí mà NATO cung cấp để tấn công Nga, nhưng rõ ràng Kiev đã trở nên táo bạo hơn khi gây chiến với Mátxcơva. Đổi lại, các lãnh đạo phương Tây nhìn chung tỏ ra thoải mái về cách làm này.
Theo nhà nghiên cứu Giles, sự tự tin ngày càng lớn của Kiev gợi ý rằng kiểu tấn công bằng UAV vào Nga sẽ tiếp tục là một đặc điểm của cuộc xung đột.
“Không thể khẳng định điều này sẽ phát triển như thế nào nhưng chúng ta chắc chắn nên tin rằng các cuộc tấn công vào Nga sẽ tiếp tục diễn ra ở mức độ này”, Giles nói.