Xung đột vũ trang bao trùm bài phát biểu cuối cùng của Tổng thống Mỹ Biden ở Liên Hợp Quốc

TPO - Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu cuối cùng trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hợp Quốc (LHQ), trong đó ông cho rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine thất bại và vẫn có thể đạt được một giải pháp ngoại giao giữa Israel và phong trào Hezbollah của Li-băng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ngày 24/9. (Ảnh: AP)

Khi chỉ còn 4 tháng nữa là hết nhiệm kỳ, Tổng thống Biden đứng trên bục màu xanh lá cây tại Đại hội đồng LHQ để nói về các cuộc xung đột ở Ukraine, Dải Gaza và Sudan đang diễn ra và có nguy cơ kéo dài hơn nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Nhà lãnh đạo Mỹ tìm cách xoa dịu căng thẳng khi cuộc xung đột kéo dài gần 1 năm qua giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza đang bùng lên và đe dọa nhấn chìm Li-băng.

"Chiến tranh toàn diện không có lợi cho bất kỳ ai, ngay cả khi tình hình leo thang, vẫn có thể tìm được giải pháp ngoại giao”, ông Biden nói trước Đại hội đồng gồm 193 thành viên.

Trong tiếng vỗ tay, ông Biden kêu gọi Israel và Hamas hoàn tất các điều khoản của thoả thuận ngừng bắn và thỏa thuận thả con tin mà Mỹ, Qatar và Ai Cập đóng vai trò trung gian.

Nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden cũng bị chi phối bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine, nổ ra từ tháng 2/2022. Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky có mặt trong hội trường để nghe ông Biden phát biểu và nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với Kiev.

"Chiến dịch quân sự của Nga đã thất bại trong mục tiêu cốt lõi", ông Biden nói.

"Chúng ta không thể mệt mỏi, không thể ngoảnh mặt làm ngơ và chúng ta sẽ không từ bỏ sự ủng hộ của mình đối với Ukraine, cho đến khi Ukraine giành chiến thắng với một nền hòa bình công bằng và lâu dài", ông nói.

Ông Biden dự kiến ​​sẽ nghe ông Zelensky trình bày một kế hoạch hòa bình mới của Ukraine khi họ gặp nhau tại Washington ngày 26/9. Một quan chức Mỹ cho biết, kế hoạch này có lẽ rất giống với các kế hoạch trước đây, với nội dung chính là kêu gọi thêm vũ khí và hỗ trợ.

Bài phát biểu của Tổng thống Biden tại LHQ là sự kiện trọng tâm của chuyến đi kéo dài 2 ngày tới New York.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine, chiến sự Trung Đông và những thách thức từ Iran và Trung Quốc được đánh giá là sẽ tiếp tục thử thách tổng thống tiếp theo của Mỹ, bất kể người kế nhiệm ông Biden là Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ hay cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Cách tiếp cận chính sách đối ngoại của bà Harris rất giống ông Biden, dù bà đã đưa ra những phát biểu cứng rắn hơn về hàng chục nghìn người Palestine thiệt mạng và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza vì các cuộc tấn công của Israel.

Ông Trump không mấy nhiệt tình trong việc ủng hộ Ukraine chống lại Nga, nhưng có quan hệ tốt với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Tổng thống Biden thể hiện sự ủng hộ kiên định dành cho Israel trong nỗ lực loại bỏ lực lượng Hamas khỏi Dải Gaza, nhưng đến nay vẫn chưa thành công trong nỗ lực dàn xếp phán thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin, cũng như không có đột phá nào về tầm nhìn.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden, Mỹ đã chuyển hàng triệu đô la vũ khí của Mỹ cho Ukraine và tập hợp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ủng hộ Kiev. Tuy nhiên, cuộc xung đột vẫn bế tắc khi Nga nắm giữ một phần đất rộng lớn ở miền đông Ukraine và quyết không đáp ứng đòi hỏi của Kiev về đàm phán.

Theo Reuters, AP