Xung đột Nga - Ukraine ngày 26/11: Nga tiến quân như 'vũ bão', trên đà tiến vào thị trấn chiến lược ở Donetsk

TPO - Cuộc chiến đang bước vào giai đoạn mà một số quan chức Nga và phương Tây cho rằng có thể là giai đoạn nguy hiểm nhất, sau khi lực lượng Nga đạt được một số thành tựu lớn về lãnh thổ và Mỹ cho phép Ukraine phản công bằng tên lửa tầm xa của Mỹ nhằm vào lãnh thổ Nga.

Các lực lượng Nga đang tiến quân ở Ukraine với tốc độ nhanh nhất kể từ những tháng đầu của cuộc xung đột, và trên đà tiến vào thị trấn chiến lược Kurakhove (Donetsk), các nhà phân tích cho biết hôm 25/11.

"Lực lượng Nga gần đây đã tiến quân với tốc độ nhanh hơn đáng kể so với toàn bộ năm 2023", theo các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh.

Báo cáo ghi nhận những thắng lợi được xác nhận trên chiến trường gần Vuhledar và Velyka Novosilka, nằm ở Donetsk.

Quân đội Nga đã giành được gần 235 km2 lãnh thổ trong tuần qua, một kỷ lục trong năm 2024, theo báo cáo của nhóm tin Agentstvo. Kể từ đầu tháng 11 đến nay lực lượng Nga đã giành được 600 km2 (232 dặm vuông).

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh và các blogger quân sự ủng hộ Mátxcơva cho biết, quân đội Nga đang ở Kurakhove, đây là bước đệm hướng tới trung tâm hậu cần Pokrovsk ở Donetsk.

Ukraine bắn hạ 10 máy bay không người lái tấn công thủ đô Kiev

Lực lượng phòng thủ Ukraine đã phá hủy hơn 10 máy bay không người lái tấn công thành phố Kiev trong đêm 25 rạng sáng 26/11.

Ông Serhii Popko, người đứng đầu văn phòng quân sự Kiev, cho biết cảnh báo không kích đã có hiệu lực trong hơn năm giờ. Lực lượng phòng thủ đã phát hiện và phá hủy hơn 10 máy bay không người lái của Nga đe dọa Kiev".

Hiện chưa có thương vong và thiệt hại nào được ghi nhận.

Quân đội Nga chưa bình luận về thông tin này.

Châu Âu tuyên bố tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu và Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey trong cuộc họp báo chung tại Berlin hôm 25/11. (Ảnh: Reuters)

Châu Âu sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cam kết sau các cuộc hội đàm với người đồng cấp Anh, Pháp, Ý và Ba Lan về cách thúc đẩy các nỗ lực quốc phòng khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.

"Mục tiêu của chúng tôi là có thể tạo điều kiện để Ukraine hành động theo thế mạnh", ông Boris Pistorius nói với các phóng viên tại Berlin sau khi chủ trì cuộc họp của Nhóm Năm quốc gia hàng đầu về quốc phòng châu Âu.

Việc ông Donald Trump - người hoài nghi về sự hỗ trợ cho Ukraine - đắc cử Tổng thống Mỹ đã gây thêm áp lực, buộc châu Âu phải tăng cường vai trò của mình trong việc cung cấp vũ khí cho Kiev nếu Washington - nhà tài trợ lớn nhất đến thời điểm hiện tại - cắt giảm viện trợ.

Vài giờ sau chiến thắng của ông Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu đã họp vào ngày 6/11 và nhất trí triệu tập một cuộc họp với những người đồng cấp.

Phát biểu với các phóng viên tại Berlin hôm 25/11, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz lặp lại lời cam kết của ông Pistorius về việc tăng viện trợ cho Kiev.

"Châu Âu phải phối hợp nhiều hơn, phải hài hòa các hành động của mình, phải hướng đến mục tiêu cao hơn, để cũng có thể trở thành đối tác tốt của Mỹ", ông nói.

"Hôm nay, chúng tôi có nghĩa vụ phải nói rõ ràng: châu Âu cần tăng cường nỗ lực khi nói đến việc hỗ trợ Ukraine, nhưng trên hết khi nói đến an ninh của chính mình. Nếu không tăng chi tiêu, nếu không nhận thức rõ ràng về thời đại chúng ta đang sống, mọi thứ đều vô nghĩa".

Trong khi đó, một phái bộ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt tại Wiesbaden sẽ tiếp quản việc điều phối viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine vào tháng 1, Bộ trưởng Pistorius cho biết, một động thái đã được mong đợi từ nhiều tháng trước.

Việc thành lập phái bộ mới, có tên là Hỗ trợ an ninh và đào tạo NATO cho Ukraine (NSATU), được coi là một nỗ lực nhằm bảo vệ cơ chế viện trợ trước bất kỳ sự can thiệp nào của ông Trump.

Nhà Trắng xác nhận cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga

Nhà Trắng đã chính thức xác nhận việc cho phép lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS để tấn công lãnh thổ Nga. Quyết định này đánh dấu một thay đổi lớn của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc hỗ trợ Ukraine.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby, trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (25/11), xác nhận Ukraine được phép sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS.

"Họ có thể sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS để tự vệ khi cần thiết và điều đó đã diễn ra ở trong và xung quanh tỉnh Kursk", ông John Kirby cho biết.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ lưu ý, Washington đã thay đổi hướng dẫn liên quan đến hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS.

Quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh, phía Mỹ sẽ để người Ukraine lên tiếng về việc sử dụng tên lửa ATACMS, trình tự xác định mục tiêu và cách mà Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS.

Trước đây, Ukraine nhiều lần đề nghị Mỹ cho phép sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Theo các nhà quan sát quân sự, thông tin về sự thay đổi lập trường của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden là bước ngoặt trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trước đó, vào tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa sẽ thay đổi bản chất xung đột và khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở thành bên liên quan trực tiếp. Mátxcơva sẽ đáp trả bằng các biệp pháp tương xứng.

Theo Reuters, Pravda