Xung đột Dải Gaza: Bệnh viện quá tải, vừa chữa trị người bị thương vừa chống COVID-19

TPO - Các bệnh viện tại Dải Gaza đang rơi vào tình trạng “một cổ hai tròng” khi phải đối phó với đại dịch COVID-19 cũng như tình trạng người bị thương tăng lên do cuộc xung đột với Israel nổ ra vào tuần trước và chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Bộ Y tế đang chiến đấu trên hai mặt trận ở Dải Gaza - mặt trận chống COVID-19 và mặt trận còn lại, khó khăn hơn là chữa trị cho những người bị thương do xung đột”, giám đốc phẫu thuật của bệnh viện Shifa ở Gaza Marwan Abu Sada cho biết.

Các y bác sĩ tại Dải Gaza hiện đang phải làm việc hết công suất sau hơn một tuần giao tranh gần như không có dấu hiệu giảm nhiệt.

Kể từ khi cuộc giao tranh bắt đầu, Palestine cho biết đã có 201 người đã thiệt mạng cùng với hàng trăm người khác bị thương, bao gồm cả những người bị thương do mảnh đạn hay các tòa nhà đổ sập.

Israel đã ghi nhận 10 người thiệt mạng trong vụ phóng tên lửa cùng nhiều người khác bị thương, một số trực tiếp do vụ nổ và những người khác khi lao đến nơi an toàn. Một số đang trong tình trạng nguy kịch.

Một khu ở bệnh viện Shifa, trước đó dành để chữa trị COVID-19, đã phải chuyển thành đơn vị chăm sóc đặc biệt cho những người bị thương trong cuộc xung đột.

Tại Shifa, cơ sở y tế lớn nhất trong số 13 bệnh viện và 54 phòng khám phục vụ 2 triệu người dân, số giường chăm sóc đặc biệt đã tăng gấp đôi lên 32 khi số người bị thương do xung đột tăng lên.

Giống như nhiều bệnh viện khác, bệnh viện 750 giường này phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc men và trang thiết bị trước khi giao tranh nổ ra vào ngày 10/5. Không chỉ thuốc men và các thiết bị y tế, nhiên liệu cho các máy phát điện cung cấp năng lượng cho các bệnh viện ở Gaza cũng đang dần cạn kiệt.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Dải Gaza với hai triệu dân đã nhận được 122.000 liều vaccine COVID-19, hơn một nửa trong số này chưa được tiêm phòng. 103.000 người tại khu vực dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 930 trường hợp tử vong.

Sacha Bootsma, người đứng đầu WHO tại Dải Gaza, cho biết từ trước khi đại dịch COVID-19 hoành hành, hệ thống y tế ở đây có thể bị xếp vào loại yếu kém nhất với trang thiết bị rất cũ, các tòa nhà cũ kỹ, thiếu nhân viên y tế được đào tạo bài bản và thiếu hụt thường xuyên các loại thuốc thiết yếu.

Theo Reuters