Tại hội thảo về Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2015, định hướng đến 2020, ngày 1-6, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Việt Nam phấn đấu giữ vững nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu 8-10%/năm. Đến năm 2015, kim ngạch thủy sản xuất khẩu đạt 6,5-6,7 tỷ USD. Tỷ lệ sản phẩm chế biến, gia tăng giá trị xuất khẩu phấn đấu đạt 70-75%. Cơ cấu thị trường xuất khẩu vẫn dựa vào ba thị trường chính là EU, Nhật, Mỹ (chiếm 60-65%). Bên cạnh đó, Việt Nam cần mở rộng ra các thị trường tiềm năng khác như Đông Âu, ASEAN, Nam Âu, Trung Đông, Nam Mỹ…
Theo ông Tám, để đạt được mục tiêu của chương trình, ngoài hai sản phẩm chủ lực lâu nay là tôm và cá tra, cần mở rộng thêm các sản phẩm thủy sản khác mà Việt Nam đang có nhiều thế mạnh để phát triển như nhuyễn thể (nghêu, hàu), cá ngừ, cá chẽm, cá rô phi, rong biển…
Lập quỹ phát triển thị trường
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, đề xuất Việt Nam cần lập quỹ phát triển thị trường với sản phẩm thủy sản. Hiện nhiều nước trên thế giới đã có quỹ này. Nhà nước sẽ bảo trợ quỹ, còn tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu phải đóng góp. Như ở Na Uy, quỹ phát triển thị trường được luật hoá, tất cả doanh nghiệp xuất khẩu phải tham gia. Khi xuất khẩu, phải được Hội đồng xuất khẩu thủy sản Na Uy cho phép, và doanh nghiệp phải đóng góp quỹ, trên tỷ lệ doanh thu. “Tôi nghĩ, đã tới lúc Việt Nam phải lập quỹ, nhất là đối với những sản phẩm chủ lực, như cá tra chẳng hạn. Nhà nước phải vào cuộc, bắt tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia, còn để họ tự nguyện, sẽ rất khó, vì giống như làm từ thiện”, bà Minh nói.
Theo bà Minh, quỹ này sẽ được dùng để phát triển thị trường chuyên sâu. Việt Nam mình, một chiến dịch truyền thông để phản đối lại hành xử của Quỹ Quốc tế về bảo vệ Thiên nhiên (WWF) với con cá tra như vừa qua, cũng chưa làm được. Có chăng, chúng ta chỉ làm được cái hội thảo, thông tin chỉ đến được với quan chức, nhà bán buôn, chứ người tiêu dùng đâu biết. Làm được cái này, tốn rất nhiều tiền, một doanh nghiệp khó làm nổi.
Liên quan đến lệnh cấm biển của Trung Quốc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám, cho biết: “Quan điểm của ngành thủy sản là ngư dân chúng ta vẫn đánh bắt theo luật trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Còn mọi quy định của nước khác trên lãnh hải của Việt Nam và trái với quy định của Việt Nam thì chúng ta không thực hiện. Nhìn chung, ngư dân chúng ta đã quen với việc này rồi, nên không ảnh hưởng tới sản lượng khai thác của Việt Nam”.