Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang gặp khó do ảnh hưởng bởi tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới. Đặc biệt, tại những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc...nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh.
Cùng với đó, lượng hàng tồn nhập khẩu 2022 của một số thị trường lớn còn nhiều, khiến doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới.
Trong tháng 4, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 4,5 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,2 triệu USD so với tháng 3.
Tính chung 4 tháng, xuất khẩu các mặt hàng của ngành nông nghiệp đạt 15,6 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Toàn ngành xuất siêu 2,5 tỷ USD, giảm 37,7%.
Đáng chú ý, chỉ có một số mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao hơn năm ngoái như cà phê đạt 1,7 tỷ USD, tăng 2,5%; rau quả 1,4 tỷ USD, tăng 19,4%; hạt điều 942 triệu USD, tăng 3,4%; thịt, phụ phẩm 45 triệu USD, tăng 63,7%..., nhất là gạo đạt 1,56 tỷ USD, tăng 54,5%.
Trong khi đó, nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh, như cao su giảm 20,1%; chè giảm 5,8%; hồ tiêu giảm 10,2%; sắn và sản phẩm sắn, giảm 12,1%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 30,4%; cá tra giảm 39,9%; tôm giảm 39,6%....
Bộ NN&PTNT cho biết, trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam lớn nhất với tỷ trọng đạt gần 21%, tiếp đến là Mỹ với 18,9% và Nhật Bản chiếm 8,1%.
Trước tình trạng hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu gặp khó, Bộ NN&PTNT cho hay sẽ tập trung tháo gỡ một số vướng mắc, biến động từ các thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các đoàn công tác làm việc với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) để đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản; xúc tiến tiêu thụ rau gia vị sang thị trường EU và chuẩn bị tổ chức chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh.