Xử lý biển quảng cáo vi phạm: Chính quyền né tránh (?)

TP - Hà Nội từng rầm rộ xử lý “rác trời” là hàng trăm biển hộp đèn quảng cáo vi phạm cuối năm ngoái. Chiến dịch này nay nóng lại bởi tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiều vi phạm vẫn trơ trơ, trong khi cơ quan quản lý lúng túng thậm chí đầu hàng.
Tổ công tác rời đi, tấm biển quảng cáo quá khổ bị che bạt hôm sau lại xuất hiện tên một hãng điện thoại. Ảnh: NK.

Vi phạm nhan nhản

Không khó để nhận diện bức tranh hệ thống biển hiệu, quảng cáo vi phạm tại Hà Nội. Dạo quanh phố phường đến bất cứ ngã ba ngã tư và các điểm giao cắt nào cũng có thể bắt gặp loại biển hiệu, quảng cáo quá khổ choán hết mặt tiền các tòa nhà. Một loạt thương hiệu từ Thế giới Di động, Điện máy xanh, Điện máy Trần Anh, Pico, Media Mart, Kangaroo… đều có điểm chung- tên thương hiệu xuất hiện choán phần lớn diện tích biển hiệu. Đại diện đoàn thanh tra kể, có những biển hiệu mọi người đoán khoảng 100m2, thực tế nó gần 200m2. Đợt ra quân này, đoàn thanh tra nhắm vào các biển quảng cáo bên hông, mặt tiền quá khổ và không phép ở khắp quận huyện Hà Nội.

Theo thông tin từ Phòng Văn hóa và Thông tin quận Long Biên, trong hơn 7 nghìn biển hiệu có hơn nghìn biển sai phạm về kích thước. Trên tuyến phố kiểu mẫu Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), loại biển hiệu quá khổ vi phạm như Thế giới di động, Siêu thị điện máy HC án ngữ suốt thời gian qua. Tại các trục đường như Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Xã Đàn (Đống Đa), Kim Mã (Ba Đình) loại biển hiệu này cũng nghênh ngang thách thức mọi quy định. 

Ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở VHTT Hà Nội), Trưởng đoàn thanh tra liên ngành xử lý biển quảng cáo vi phạm nhắc tới thực trạng nhức nhối của hàng trăm tấm biển hiệu, quảng cáo sai phạm trên địa bàn Hà Nội. “Biển quảng cáo là vật liệu dễ cháy, nguồn điện chiếu sáng phát ra nhiệt năng lớn. Đặc điểm biển để ở ngoài trời mưa nắng dễ hư hại và dẫn đến chập, cháy nổ. Nếu không may xảy ra cháy nổ, các tấm biển này ngăn cản việc cứu hộ cứu nạn. Nhiều khi người dân đánh đổi sinh mạng của mình lấy chút tiền. Hơn nữa biển quảng cáo be kín mặt tiền xâm phạm trật tự đô thị”, ông Bùi Minh Hoàng nói.

Những ngày qua, đoàn thanh tra xuống hiện trường làm việc với các cơ sở kinh doanh, công ty quảng cáo và chính quyền địa phương. Một vài cơ sở kinh doanh của Thế giới di động tại Kim Mã, Xã Đàn, Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy) chủ động thu hẹp diện tích biển vi phạm về kích cỡ quy định. Tuy nhiên, đại diện đoàn thanh tra nhắc rất nhiều điểm vi phạm khác vẫn chây ì. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội khẳng định gần như toàn bộ biển hiệu vi phạm nêu trên “không được cấp phép”. Khi đoàn thanh tra liên ngành làm việc tại hiện trường, chính quyền địa phương đều thừa nhận gần như không cấp phép cho các công trình biển hiệu bên hông, mặt tiền toà nhà vì lúng túng.

Rối xử lý

Biển quảng cáo sai mười mươi ở các cơ sở kinh doanh, công ty quảng cáo và chính quyền địa phương nhưng thanh tra xử lí vi phạm lại gặp trở ngại không nhỏ. “Theo luật, ngành văn hoá chỉ chịu trách nhiệm nội dung trên biển quảng cáo. Khi phát hiện sai phạm, đoàn thanh tra văn hóa cuốn bạt nội dung lên, tuy nhiên còn phần khung sắt lại không thuộc thẩm quyền của Sở”, ông Động nói. Ông Bùi Minh Hoàng cũng kêu khó, bởi sở VHTT không phải là đơn vị cấp phép biển quảng cáo, chỉ có thỏa thuận thông báo chấp nhận logo, tên thương hiệu trên biển. Các biển quảng cáo từ 20m2 trở lên theo luật phải có giấy phép xây dựng, nhưng lâu nay Sở Xây dựng không hề cấp phép. “Việc này tạo khoảng trống, vì không cấp phép nên không thể thu hồi, điều chỉnh và cưỡng thế được”, ông Hoàng nói.

Một thành viên đoàn thanh tra Sở VHTT Hà Nội nêu điểm khúc mắc nhất trong quá trình xử lý vi phạm: Thẩm quyền xử phạt của thanh tra, Sở VHTT là cơ quan quản lý nhà nước không có quyền ra quyết định xử phạt. Thẩm quyền đó thuộc về chủ tịch UBND các cấp, thanh tra chuyên ngành. “Một hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục như buộc tiêu hủy, buộc tháo dỡ, trả lại nguyên trạng ban đầu. Tất cả điều đó thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND cấp xã, phường cho tới Chủ tịch UBND quận, thành phố. Bấy lâu nay, khi ngành văn hóa ra quân xử phạt chỉ đơn giản phủ bạt lên, nghĩa là hành  vi vi phạm đã chấm dứt. Như vậy, Thanh tra Sở VHTT sau đó đứng ngoài cuộc vì chỉ phụ trách nội dung. Nhưng công trình biển quảng cáo ở đây rõ ràng có mối quan hệ mật thiết- phải có khung bạt mới có nội dung quảng cáo- vậy tại sao không thể xử lý tận gốc”, vị này nói.

Lãnh đạo Sở VHTT khẳng định UBND thành phố phân cấp cho các quận, huyện xử lý vi phạm: Biển quảng cáo chưa có phép, thẩm quyền xử lý thuộc về chủ tịch UBND quận huyện. Tuy nhiên, đoàn thanh tra cũng thừa nhận khi làm việc với các địa phương đều nghe kêu khó và lúng túng trong quá trình triển khai. Về nguyên tắc, luật ra đời có hiệu lực điều chỉnh các hành vi xã hội, tuy nhiên thực tế đang bị tình trạng luật ra rồi lại chờ nghị định, thông tư hướng dẫn và quyết định thực hiện. Được biết, gần đây Sở Xây dựng Hà Nội bàn giao cho địa phương cấp phép biển quảng cáo, cụ thể là phòng xây dựng cấp quận, huyện tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp phép nhưng hầu hết họ không làm.

Một thành viên đoàn thanh tra Sở VHTT Hà Nội nêu điểm khúc mắc nhất trong quá trình xử lý vi phạm: Thẩm quyền xử phạt của thanh tra, Sở VHTT là cơ quan quản lý nhà nước không có quyền ra quyết định xử phạt.