Từ 8 - 11/1, TAND quận Thanh Xuân (Hà Nội) xét xử bị cáo Lê Hoàng Lê (SN 1981, ở Sóc Sơn, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Theo truy tố, Lê là lái xe của Hợp tác xã (HTX) Thành Công với nhiệm vụ thu gom rác trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội). Chiều 12/4/2019, bị cáo nhận “Lệnh” điều khiển xe đi gom rác.
Khoảng 16h cùng ngày, Lê đi trên đường Vũ Trọng Phụng và gặp một ô tô khác quay đầu nên dừng lại. Sau đó, bị cáo nhấn ga đi tiếp nhưng lập tức đâm vào cháu M. (SN 2005) – lúc đó đang đi xe đạp.
Cơ quan truy tố cho rằng lúc này, Lê xuống xe thấy cháu M. bị xe chèn vào liền lên xe, lùi lại rồi xuống kéo cháu ra. Bị cáo đã hô hoán mọi người đưa cháu đi cấp cứu còn bản thân ở lại hiện trường. Cháu M được đưa vào Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương rồi chuyển sang Bệnh viện 198 nhưng rất đáng tiếc, cháu không qua khỏi.
Trong vụ án, Ban quản lý dự án (BQLDA) quận Thanh Xuân là đơn vị thay mặt UBND quận ký hợp đồng thu gom rác với HTX Thành Công; thời gian thu gom rác theo quy định từ 19h30 hôm trước đến 6h hôm sau theo quy định của UBND TP Hà Nội.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Phương – nhân viên BQLDA ký vào “Lệnh” nhưng bỏ trống thông tin rồi chuyển cho HTX Thành Công. Lợi dụng việc này, ông Nguyễn Tiến Trung – nhân viên HTX Thành Công đã tự ý điều Lê Hoàng Lê đi gom rác không đúng thời gian quy định.
Tại tòa, luật sư của bị cáo Lê nêu nghi vấn, cháu bé có thể không tử vong nếu các bác sĩ tại Bệnh viện 198 cấp cứu đúng cách và phía điều tra đã thiếu sót khi không mổ tử thi để giám định. Do vậy, luật sư đề nghị tòa triệu tập các bác sĩ liên quan đến làm rõ thêm sự việc, nếu không có thể “bỏ lọt tội phạm”.
Tuy nhiên, phía bị hại, điều tra viên, kiểm sát viên đều cho rằng cháu M tử vong do bị xe rác của Lê – lúc đó chở khoảng 20 tấn chèn qua. Đại diện Sở Y tế TP Hà Nội cũng khẳng định, ông đã có mặt ngay sau lúc cháu tử vong và thấy, cháu chịu nhiều vết thương, mất máu… do tác động của ngoại lực.
Luật sư Huỳnh Phương Nam – bảo vệ cho bị hại hỏi điều tra viên về việc không thu giữ thiết bị định vị trên xe rác của bị cáo Lê nên không làm rõ được nhiều vấn đề liên quan.
Điều tra viên thừa nhận đây là: “Thiếu sót của tôi” nhưng khẳng định đã thu thập tất cả các tài liệu, chứng cứ khác liên quan và tiến hành giải quyết vụ án một cách khách quan theo quy định.
Gia đình bị hại có mặt tại tòa.
Xe rác vẫn đi sai giờ?
Trong phần tranh luận, đại diện VKSND quận Thanh Xuân nêu quan điểm, UBND TP Hà Nội đã có quy định các xe chở rác, thu gom rác chỉ được hoạt động ban đêm, trừ xe tổng vệ sinh đột xuất và những xe đi ban ngày phải được cấp giấy phép riêng.
Bị cáo Lê biết xe mình không được di chuyển, gom rác ban ngày và có quyền từ chối chạy xe trong giờ cấm nhưng vẫn đi làm nhiệm vụ vào chiều 12/4/2019 đồng thời gây tai nạn. Cháu M chuyển hướng qua đầu xe của Lê khi không quan sát nên cũng có một phần lỗi.
Người giữ quyền công tố cho rằng, hành vi của bị cáo Lê là nguy hiểm cho xã hội, đi xe trọng tải lớn trong phố nhỏ lại chủ quan, không tuân thủ đầy đủ các quy định tham gia giao thông dẫn tới việc cháu M tử vong nên đề nghị tòa phạt bị cáo 30 – 36 tháng tù.
Cũng theo kiểm sát viên, hành vi cho Lê chạy sai giờ của các ông Trung và Phương là vi phạm trong quản lý hành chính nên chỉ cần chịu kỷ luật và các cơ quan tố tụng đã kiến nghị UBND quận Thanh Xuân chấn chỉnh hoạt động thu gom rác của HTX Thành Công nhằm tránh tai nạn hoặc ùn tắc trong giờ cao điểm.
Tranh luận lại, bố đẻ cháu M trình bày: “Tôi không đồng tình với việc kiểm sát viên nói gia đình tôi cản trở việc mổ tử thi. Chúng tôi không cản trở, nếu pháp luật bắt buộc chúng tôi sẽ nghe nhưng phía điều tra nói chúng tôi có thể từ chối”.
Đại diện hợp pháp của cháu M cũng đề nghị không áp dụng tình tiết giảm nhẹ tích cực cứu chữa người bị hại với Lê. Ông cho rằng, lời khai của nhân chứng, video ghi hình sự việc cho thấy Lê không tham gia cứu giúp cháu M.
Bố của cháu nói thêm: “Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm cần khởi tố các ông Trung, Phương về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì họ thông đồng, ký khống lệnh cho lái xe chở rác nặng hơn 20 tấn đi vào giờ cấm đúng giờ tan tầm, trên tuyến đường có 4 – 5 trường học”.
Vị này tiếp lời: “Tòa án cần kiến nghị UBND quận Thanh Xuân và UBND TP Hà Nội xem xét đơn vị Thành Công có đủ năng lực thu gom rác ở Thanh Xuân hay không? Chỉ khi không đủ năng lực, không đủ xe, đủ người mới phải chạy trái giờ”.
Cũng tại tòa, đại diện BQLDA quận Thanh Xuân khẳng định sau vụ tai nạn trên, họ đã chấn chỉnh và tuyệt đối không còn tình trạng xe rác chạy sai giờ. Tuy nhiên, phía bị hại trưng ra nhiều hình ảnh cho thấy các xe rác vẫn: “Ngông nghênh đi vào giờ cấm, phố cấm”.
Hội đồng xét xử sẽ tuyên án vào sáng 11/1.