Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT tại Giao lưu trực tuyến: “Thí sinh chọn ngành học theo bản thân hay xu hướng xã hội?” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức.
PGS Thủy cho biết, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 sẽ một số điểm mới.
Điểm mới ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh trong tuyển sinh đại học năm 2023 là điểm ưu tiên khu vực của thí sinh (nếu có) sẽ được áp dụng trong 2 năm. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT điều chỉnh cách tính điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên.
Theo đó, theo bà Thủy, điểm thi của thí sinh càng cao, mức điểm ưu tiên càng thấp. Thí sinh đạt 30 điểm không còn được cộng điểm ưu tiên. Như vậy, không thí sinh nào có điểm xét tuyển vượt quá 30, các ngành điểm cao sẽ cạnh tranh công bằng hơn.
PGS Thủy lý giải, chính sách điểm ưu tiên này là để giúp cho thí sinh ở những vùng khó khăn, những đối tượng cần ưu tiên được tăng cơ hội tiếp cận đại học, được phát triển bản thân để phục vụ cho xã hội, cộng đồng. Tuy nhiên, khi các em đạt mức điểm cao, tức là khi các em đã có học lực giỏi, kết quả thi rất tốt thì điểm ưu tiên sẽ giảm dần để bảo đảm cạnh tranh công bằng với tất cả thí sinh giỏi trên cả nước.
Khi nào thí sinh trúng tuyển sớm mới được coi là trúng tuyển chính thức?
Ở thời điểm này, nhiều trường đại học đã nhận hồ đăng ký xét tuyển năm 2023 theo các phương thức xét tuyển sớm (các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT như xét tuyển học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng,…).
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cho biết, Bộ GD&ĐT không giới hạn thí sinh đăng ký xét tuyển sớm ở bao nhiêu trường, tức thí sinh có thể đăng ký xét tuyển sớm ở 10 trường đại học và được cả 10 trường nói trên thông báo trúng tuyển.
Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, thông thường, việc xét tuyển sớm đều được các trường tổ chức trước khi kỳ thi THPT diễn ra, có nghĩa thí sinh chưa tốt nghiệp THPT.
Bà Thủy cũng cho rằng, với điều kiện của Bộ GD&ĐT bắt buộc thí sinh phải tốt nghiệp THPT mới được xác định là trúng tuyển chính thức, do đó mọi thời điểm xét tuyển của các trường xét tuyển sớm trước khi hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ hoạt động đều là trúng tuyển “có điều kiện”.
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, ngành đào tạo mà mình mong muốn, bao gồm cả những nguyện vọng đã trúng tuyển có điều kiện. Các em sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên của bản thân, lúc này mới là đăng ký nguyện vọng chính thức.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học lưu ý thêm, trước khi thi tốt nghiệp THPT cho đến khi thí sinh đã có điểm, các em vẫn hoàn toàn có thể chỉnh sửa nguyện vọng theo ý muốn của bản thân. Có rất nhiều thời gian để các em suy nghĩ, cân nhắc, bởi những nguyện vọng thí sinh đã đỗ khi xét tuyển sớm đều chưa là chính thức, tất cả chỉ là trúng tuyển có điều kiện.
Do đó, bắt buộc thí sinh phải đăng ký lại trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, thiếu bước này, các em không thể chính thức trúng tuyển.
“Đối với thí sinh trúng tuyển có điều kiện của nhiều trường, bản thân các em đang giữ chỗ của nhiều người khác, vì sau này em chỉ vào học 1 trường. Chính vì vậy, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta xác định đúng nguyện vọng ưu tiên nhất, dành những vị trí khác trong hệ thống giáo dục đại học cho những thí sinh khác cũng có cơ hội”, PGS Thủy nói.