Xét chiến sĩ thi đua: Hiệu trưởng sao lại tranh phần giáo viên?

Năm học vừa qua, Chiến sĩ thi đua cơ sở ở trường tôi đều là các thành viên trong Liên tịch nhà trường bao gồm 3 Ban giám hiệu cùng với 5 tổ trưởng.
Thực hư chuyện công nhận “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hiện nay.

LTS: Hiện nay, các trường phổ thông đang chuẩn bị hoàn tất các công tác của năm học, trong đó việc xét công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở cũng đang được nhà trường hoàn tất các bước để hoàn thành hồ sơ cá nhân cho các giáo viên đăng kí Chiến sĩ thi đua cơ sở. 

Theo điều 4 Nghị định số 65/2014/NĐ-CP và khoản 2 điều 10 Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT - Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục quy định, những giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp trường (đối với viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đều được xét công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. 

Tuy nhiên, thực tế một giáo viên (đề nghị giấu tên) nhận thấy, việc xét công nhận danh hiệu là Chiến sĩ thi đua trong nhà trường hiện nay không đúng thực chất và chưa đánh giá đúng khả năng phấn đấu của giáo viên. 


Hội đồng thi đua khen thưởng hay còn gọi là Liên tịch nhà trường được thành lập dựa theo quy định tại điều 24 Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT về Ban hành điều lệ trường tiểu học. 

Trong đó, Hội đồng thi đua khen thưởng có nhiệm vụ giúp Hiệu trưởng tổ chức phong trào thi đua, đề nghị danh sách khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường. 

Như vậy, để một giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở phải được Liên tịch nhà trường bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định tại Điều 3 mục 2 của Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT. 

Theo đó, các cuộc họp xét danh hiệu thi đua, khen thưởng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hoặc thành viên của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị tham dự.
 
Chính quy định này đã đặt một quyền lực rất lớn vào tay các thành viên trong Liên tịch của trường (bao gồm Ban giám hiệu, Chủ tịch công đoàn, Bí thư chi đoàn, Tổng phụ trách Đội, 5 tổ trưởng chuyên môn và tổ trưởng văn phòng). 

Liên tịch sẽ bỏ phiếu tín nhiệm cho các cá nhân đăng kí Chiến sĩ thi đua nên vấn đề đặt ra là bản thân một số thành viên trong Liên tịch luôn lấy quan điểm chủ quan cá nhân để bỏ phiếu tín nhiệm cho giáo viên. 

Vậy liệu thành tích của từng giáo viên có thể được đánh giá chính xác?

Thử hỏi, nếu công tâm thì làm sao có thể có chuyện, giáo viên đã cố gắng để tham gia và có thành tích trong các cuộc thi từ cấp trường đến cấp Quốc gia nhưng lại không được ghi nhận. 

Hơn nữa, vì là thành viên trong Liên tịch nhà trường, là người cầm lá phiếu để bầu chọn “tín nhiệm” hay “không tín nhiệm” nên họ có quyền gạch bỏ những giáo viên khác và để số phiếu của họ luôn được cao hơn, đạt tỉ lệ 2/3 thành viên của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị tham dự. 

Điều này đã làm sai lệch kết quả đánh giá những giáo viên có sự phấn đấu, nỗ lực trong năm học, luôn đạt kết quả trong các cuộc thi nhưng vì không “được lòng” các thành viên trong Liên tịch. 

Vì bị gạch bỏ và trở thành không tín nhiệm trong lá phiếu của các thành viên trong Liên tịch nhà trường. 

Chính vì vậy mới có chuyện giáo viên truyền tai nhau rằng: “Có ở trong liên tịch đâu mà đăng kí chiến sĩ thi đua làm gì?”.

Trong khi, cấp trên dựa vào biên bản và số phiếu của nhà trường báo cáo ra quyết định công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở nhưng cấp trên lại tiếp nhận quá nhiều hồ sơ nên họ không thể đi thực tế xác minh tính chính xác trong biên bản của nhà trường. 

Thực tế, tại trường nơi tôi công tác, trong năm học vừa qua, các giáo viên đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở đều là các thành viên trong Liên tịch bao gồm 3 Ban giám hiệu (1 hiệu trưởng, 2 hiệu phó) cùng với 5 tổ trưởng chuyên môn. 

Điều này hoàn toàn không đúng theo tinh thần của Điều 10 mục 4 của Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT “bảo đảm không quá 1/3 là cán bộ quản lý” và một số giáo viên không đạt các tiêu chuẩn theo quy định. 

Nhưng do là thành viên trong Liên tịch nên họ luôn đạt số phiếu cao hơn các giáo viên khác. 

Thiết nghĩ, Hội đồng thi đua khen thưởng hay còn gọi là Liên tịch nhà trường cần đặt quyền lợi của các giáo viên lên trên lợi ích “cá nhân”, chỉ khi đó việc đánh giá một giáo viên mới khách quan và sự nỗ lực phấn đấu của từng thành viên trong nhà trường đều được ghi nhận. 

Chắc chắn rằng, qua việc “công tâm” đánh giá “tín nhiệm” hay “không tín nhiệm” của từng thành viên trong Liên tịch sẽ tạo cho giáo viên niềm tin vững chắc vào “cái tâm” của người thầy, “sự trong sáng” trong từng lá phiếu mà mỗi thành viên trong Liên tịch đang nắm giữ trong tay.


Bài viết thể hiện quan điểm, ý kiến của riêng tác giả. 

Theo Theo Giáo Dục Việt Nam