Xem xét cho cách ly F1 tại nhà trên toàn quốc

TPO - Ngày 30/6, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho hay, thời gian tới, trên cơ sở đánh giá thí điểm tại TP.HCM, Bộ sẽ xin ý kiến các cơ quan, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc.

Trước đó, Bộ Y tế đã gửi công văn số 5152 tới TP.HCM kèm hướng dẫn điều kiện cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch COVID-19 đối với các trường hợp F1. Cụ thể, Bộ Y tế và UBND TP.HCM sẽ tổng kết những điểm vướng mắc, thiếu sót, chưa phù hợp thực tế để sửa đổi, bổ sung hướng dẫn và áp dụng chính thức.

Theo PGS Liên Hương, việc cách ly F1 tại nhà có một số thuận lợi cho địa phương cũng như cho chính người cách ly, trong đó có việc giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung của địa phương, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong các cơ sở bị quá tải hoặc khu cách ly được cải tạo từ trường học, văn phòng phải sử dụng nhà vệ sinh chung không đạt yêu cầu phòng, chống dịch...

Tuy nhiên, TS Hương nhấn mạnh, việc cách ly đối với trường hợp F1 tại nhà phải đáp ứng điều kiện đã đề ra. Bà đồng thời khuyến cáo chính quyền địa phương phải giám sát chặt chẽ F1 cách ly tại nhà. Với những nơi có nhiều F1 và rải rác trên địa bàn, địa phương phải bố trí nhiều cán bộ y tế hơn để theo dõi, giám sát.

Chuyên gia này chỉ ra điểm khó khăn cho việc cách ly F1 tại nhà là hiện nay trong bối cảnh biến chủng virus SARS-CoV-2 mới có khả năng lây lan nhanh, F1 không tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch có thể làm lây nhiễm virus cho gia đình và cộng đồng.

BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) nhận định, nếu là F1 chưa xét nghiệm hay chưa có kết quả xét nghiệm COVID-19 thì vẫn có thể đang là F0 (bệnh nhân COVID-19). Thậm chí, do lần đầu xét nghiệm âm tính, F1 sau đó chuyển thành F0 thì sẽ phát tán virus ra môi trường xung quanh. Vì vậy, theo bác sĩ Khanh, nguyên tắc quan trọng nhất là phải tuyệt đối ở phòng riêng, thường xuyên mang khẩu trang đúng, ăn ngủ riêng; tuyệt đối không ra khỏi nhà, không cho người khác đến thăm. Nếu nhà có người F1, nên cho người chung nhà có yếu tố nguy cơ bệnh nặng chuyển đến nơi khác ở. Không để người già, người có bệnh nền cần chăm sóc y tế ở cùng nhà với người cách ly.

Yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người thuộc đối tượng F1 cách ly tại nhà phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly.

Bộ Y tế yêu cầu người cách ly tại nhà phải chấp hành nghiêm các quy định và thời gian cách ly y tế tại nhà; có cam kết với chính quyền địa phương: Không ra khỏi phòng cách ly; trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác.

Cài đặt, bật và khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone trong suốt thời gian cách ly... Luôn thực hiện Thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định

Yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị

Nơi cách ly là nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập). Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: "ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19". Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế.

Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu: Phải đảm bảo khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn (sau đây gọi tắt là dung dịch sát khuẩn tay). Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng;

Hướng dẫn của Bộ Y tế lưu ý: Không được dùng điều hòa trung tâm. Có thể dùng điều hòa riêng. Đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ...