Xe không chính chủ: Những trường hợp nào bị CSGT xử phạt?

TPO - Giao lưu trực tuyến tại báo CAND gần đây, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ-đường sắt, khẳng định NĐ71 không xử phạt với người điều khiển xe không chính chủ. Vậy những trường hợp nào bị xử phạt?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho biết: Công an được Nhà nước giao quyền và việc xác minh xe chưa sang tên đổi chủ là không khó. Chúng tôi thông qua nhiều kênh, nhiều mạng thông tin để xác định.

Chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát hành chính về TTATXH đối với CSGT là không đề cập đến vấn đề có hay chưa sang tên chính chủ, mà vấn đề này được xác minh qua các kênh thông tin khác, tôi nhấn mạnh là CSGT không hỏi là xe có mua bán hay không hoặc sang tên đổi chủ hay chưa với người tham gia giao thông. Tôi khẳng định NĐ71 không xử phạt với người điều khiển xe không chính chủ.

Đây là vấn đề đã được báo chí đề cập suốt những ngày qua, nhưng nhiều độc giả vẫn thắc mắc vì vẫn có những trường hợp người điều khiển xe bị xử phạt.

 Tôi nhấn mạnh là CSGT không hỏi là xe có mua bán hay không hoặc sang tên đổi chủ hay chưa với người tham gia giao thông. Tôi khẳng định NĐ71 không xử phạt với người điều khiển xe không chính chủ 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho biết: Khi chủ xe mang hồ sơ nộp cho CSGT để sang tên chính chủ mà quá hạn 30 ngày thì sẽ bị xử phạt. Trường hợp khác, khi người điều khiển xe vi phạm luật giao thông, ví dụ như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ…

CSGT lập biên bản mời về trụ sở giải quyết thì CSGT có quyền đề cập đến vấn đề xe chính chủ hay không chính chủ và sẽ xử phạt nếu xe chưa sang tên đổi chủ quá hạn 30 ngày theo quy định.

Như vậy chỉ khi người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông thì CSGT mới có quyền đề cập đến vấn đề xe chính chủ và xử phạt nếu vi phạm.

Hà Nội đã xử phạt gần 100 triệu đồng

Cũng tại buổi giao lưu, độc giả hỏi về việc CA TP Hà Nội đã xử lý nhiều vi phạm không sang tên chuyển chủ, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Đường bộ-đường sắt - CATP Hà Nội, cho biết:

Trong 11 tháng của năm 2012 lực lượng CATPHN đã xử lý 650 trường hợp không sang tên chuyển chủ với số tiền phạt khoảng 97 triệu đồng với các trường hợp mua xe ô tô theo Nghị định 34 của Chính phủ và Nghị định 36/2010 Chương I điều 6.

Luật và các văn bản dưới luật đã có quy định rất rõ khi người mua bán sang tên đổi chủ trong 10 ngày phải trực tiếp thông báo cho cơ quan chức năng hoặc chuyển thông điệp qua đường bưu điện. Sau 30 ngày phải làm thủ tục sang tên chuyển chủ và nếu không thực hiện sau 30 ngày sẽ xử phạt theo Nghị định 34 của Chính phủ.

Cũng theo Đại tá Thắng, mức phạt với xe máy 100 đến 200 nghìn đồng và xử lý phạt của ô tô là 1 triệu đến 2 triệu đồng đã thực hiện.

Qua thực hiện khoảng 2 năm, ngay sau khi Nghị định 34 có hiệu lực và Thông tư 36 của BCA hướng dẫn chi tiết Công an Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền hướng dẫn đặc biệt cổng thông tin điện tử và tại các điểm đăng ký xe 29 quận, huyện về đăng ký xe ô tô cũng đã có thông báo hướng dẫn công khai trong đó có mục về sang tên chuyển chủ.

Công an Hà Nội thời gian vừa qua đã có công tác tuyên truyền, tuy nhiên hiệu quả thế nào chúng ta sẽ làm rõ thêm.

Theo Viết