Xẻ đồi, phá núi thi công cao tốc qua Hà Tĩnh

TPO - Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh đi qua những ngọn đồi cao 40 - 60m, đòi hỏi nhà thầu phải triển khai nhiều giải pháp thi công theo đúng thiết kế kỹ thuật, an toàn và đáp ứng chất lượng yêu cầu đặt ra.

Cận cảnh việc xẻ đồi, vượt núi thi công cao tốc qua Hà Tĩnh. Video: Phạm Trường.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh có 4 dự án thành phần, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt (giai đoạn 2017 - 2020), Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng - Bùng (giai đoạn 2021 - 2025) với tổng chiều dài 107,22km. Địa hình thi công phải vượt qua nhiều đồi núi cao nên các đơn vị đảm nhận thi công phải triển khai nhiều giải pháp an toàn, chất lượng.

Trong hình là đồi Long Tương thuộc xã Quảng Lộc (huyện Can Lộc) nằm trên phạm vi thi công tuyến chính dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi. Đồi cao gần 40m, để hạ độ cao của quả đồi, ngay từ thời điểm khởi công dự án (tháng 1/2022), nhà thầu Vinaconex đã huy động hàng trăm thiết bị, nhân lực thi công.

Theo nhà thầu đảm nhận thi công, do ngọn đồi nằm sát khu dân cư nên không thể nổ mìn để phá đá, nhà thầu phải dùng máy khoan để đục, cắt gọt quả đồi. Ước tính việc hạ đồi đã phải di chuyển 1 triệu m3 đất, đá để đưa đi thi công đắp nền tuyến chính. Quả đồi được chia thành 7 cơ, mỗi cơ 6m, rộng 2m. Trên đỉnh đồi và xung quanh đồi đơn vị thi công 1 rãnh thoát nước lót bằng bê tông để nước từ trên cao không chảy tràn xuống, tránh sạt lở. Nhà thầu thi công giật cấp theo thiết kế để tránh sạt lở.

Tại dự án Hàm Nghi - Vũng Áng, trên phạm vi do doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thi công, để thông tuyến cao tốc, nhà thầu phải hạ rất nhiều ngọn đồi, gần nhất là ở khu vực xã Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên).

Thời điểm này, nhà thầu đã thi công xong phần nền đường, đang gia cố mái ta luy chống đá rơi bằng phương pháp đinh neo kết hợp lưới thép gia cố cường độ cao.

Nhiều đoạn nền đường đã thảm các lớp nhựa cần thiết.

Theo các nhà thầu thi công, do địa chất tại các quả đồi có khối lượng đá lớn cộng với việc thi công theo lối giật cấp, bơm vữa bê tông, tạo rãnh thoát nước nên không lo về sự cố sạt trượt khi mùa mưa lũ ập đến.

Qủa đồi tại Km550 (thuộc xã Kỳ Phong) và quả đồi tại Km560 (thuộc xã Kỳ Văn) đều cao hơn 50m và cũng là đường găng của dự án.

Khối lượng đất, đá từ việc xẻ đồi, phá núi rất nhiều nên nhà thầu huy động lượng lớn máy móc, vận chuyển vật liệu đắp nền đường.

Tại dự án Vũng Áng - Bùng đoạn đi qua địa phận xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, nhà thầu 484 cũng đang thi công hạ đồi Ba Vồng tại Km 569+00. Quả đồi cao khoảng 60m, chia thành 8 cơ, mỗi cơ 8m.

Anh Nguyễn Đức Thông (Công ty CP 484) cho biết, đến nay đơn vị đã cơ bản thi công xong phần gia cố mái ta luy bên phải tuyến. Phần nền đường đang rải lớp cấp phối đá dăm để chuẩn bị thảm bê tông nhựa.

Ngoài việc phải hạ đồi, lắp cống ngầm, hầm chui, nhiều khu vực trên tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh còn phải vượt qua hồ lớn, sông suối nên nhà thầu phải thi công các cây cầu cạn.

Cầu số 1 dài gần 1 km được thiết kế 2 mố, 22 trụ, trong đó, trụ cao nhất lên đến 50m, để nối 2 quả đồi, bắc qua một thung lũng có địa hình lòng chảo ở xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh. Hiện, đơn vị thi công đang lao dầm, lắp đặt các nhịp cầu.

Những cây cầu xuyên thung lũng, vượt sông, vượt rừng tạo nên khung cảnh kỳ vỹ.

Do đặc thù cao tốc Vũng Áng - Bùng gần đèo Ngang, sát dãy Hoành Sơn, mùa mưa sẽ khó thi công nên tranh thủ thời tiết nắng ráo, các nhà thầu đã huy động nhân lực và máy móc tập trung triển khai đồng loạt các mũi thi công, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, các điểm khó, đường găng về tiến độ cũng được ưu tiên xử lý.

Các vị trí trên tuyến cao tốc được nhà thầu rải đá cấp phối, củng cố nền đường để bù tiến độ cho mùa mưa lũ.

Nhiều đoạn tuyến khác đã được thảm nhựa rỗng. Đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết, các nhà thầu đảm nhận thi công các hạng mục đang đẩy tiến độ những ngày nắng, bù lại thời gian mưa của khu vực miền Trung.

Chủ đầu tư cũng đang đốc thúc các nhà thầu sớm hoàn thiện các công việc, đưa dự án về đích trước tháng 4/2025.