Nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã tác động tiêu cực đến sản xuất, tàn phá hạ tầng, đời sống của nhân dân ở nhiều nơi gây thiệt hại nhiều về người và tài sản. Xu hướng bão lũ, hạn hán, nước biển dâng gây sạt lở đất, đá ngày càng có cường độ mạnh hơn ở nhiều nơi trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền núi, ven biển và đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, năm 2016 đã trở thành năm nóng nhất lịch sử tồn tại của loài người với nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng mới nhất cũng ghi nhận các tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ hơn với các diễn biến gần đây vượt xa mức được ghi nhận là kỷ lục trước đó.
Ông Fabrice Richy, Giám đốc AFD Việt Nam thông tin, để ứng phó với việc khí hậu nóng lên cuối thế kỷ này cần khoản đầu tư rất lớn về các công trình xanh. “Ước tính đầu tư 15 tới dao động trong khoảng 50 nghìn – 80 nghìn tỷ đô la, tương đương với tổng GDP toàn cầu, một số tiền rất khủng khiếp. Vì thế, chúng ta cần tập trung trí tuệ để cùng suy nghĩ trong tương lai sẽ thực hiện những khoản đầu tư đó như thế nào”.
Ông Fabrice Richy đề cập đến tác động đến sự đa dạng của hệ sinh thái từ biến đổi khí hậu. Ông Fabrice Richy đưa ra cảnh báo: “Thời gian gần đây, rác thải túi nilon trôi nổi tại Vịnh Hạ Long. Gây hại cho Vịnh Hạ Long là một sự thiệt hại lớn cho loài người”. Ông Fabrice Richy cũng đưa thêm cảnh báo, nếu tiếp tục có tiếp tục đánh bắt hải sản công nghiệp ở vùng nước sâu thì đến 2050 sẽ mất tất cả các loài cá và chỉ còn lại các loài sứa.
Bắt đầu từ những hành động nhỏ
Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, để tham gia thích ứng với biến đổi khí hậu, các bạn cần hiểu đúng, đủ về biến đổi khí hậu, những nguyên nhân, và hệ quả. “Chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt nếu không làm chậm lại biến đổi khí hậu. Vì vậy, mỗi bạn hãy cùng chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu từ những việc nhỏ hằng ngày và kêu gọi những người xung quanh cùng thực hiện. Bên cạnh đó có những nghiên cứu phát hiện để tìm ra những mô hình, phương thức, kịch bản làm sao làm giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”, anh Tuấn nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ chương trình, AFD và Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã cùng tuyên bố triển khai chương trình GEMMES, một chương trình nghiên cứu kinh tế về biến đổi khí hậu.