Xây chính sách Trí tuệ hải ngoại

TP - Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) lần 2 đã khai mạc vào sáng hôm qua tại Hội trường Thành ủy TPHCM. Trong số gần 1.000 đại diện kiều bào về dự, có nhiều khuôn mặt trẻ, nói tiếng Việt lơ lớ nhưng họ có nhiệt huyết, sẵn sàng phục vụ quê hương.

> Khai mạc hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần hai

Các thế hệ hải ngoại cùng hướng về Tổ quốc. Ảnh: Hữu Vinh.

Chưa khai thông

Ông Trần Tuấn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ quan hệ Kỹ thuật, Khoa học và Công nghệ của Ủy ban NVNONN cho biết, hiện nay có gần 400.000 chuyên gia, trí thức NVNONN có trình độ từ đại học trở lên và các chuyên gia có kỹ thuật tay nghề cao, tập trung chủ yếu ở các nước phương Tây.

Riêng ở Mỹ, trong số 2 triệu người Việt sinh sống có đến 1,029 triệu trên 25 tuổi, trong đó có gần 190 nghìn người có trình độ từ đại học trở lên.

Trí thức Việt ở Pháp cũng khoảng 40.000, Canada là 30.000. Trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn, dự án công nghệ cao, từ điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ hải dương đều có chuyên gia người Việt. Có 40.000 người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông.

Lấy kinh nghiệm 25 năm điều hành ngân hàng về nước cống hiến, ông Phạm Nam Kim (Thụy Sĩ) kể, sự trở về của ông bước đầu khá chật vật, một mặt phải làm quen với môi trường trong nước, một mặt phải đi “gõ từng cửa quan” để xin được tiếp kiến và trình bày ý định của mình.

“Tôi biết kỹ năng quản lý ngân hàng Việt Nam còn rất hạn chế, nhưng gõ đúng cửa đúng lúc thì vô cùng khó khăn. Trong những lúc đó tôi ước mơ có một cơ quan đứng ra làm trung gian, làm “thầy cò” cho việc này thì hay biết mấy” - ông Kim nhớ lại.

Giáo sư Hà Tôn Vinh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp giáo dục, Đào tạo và Tư vấn quản lý Stellar Management Corp (Mỹ), có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển chiến lược kinh tế, cải tổ doanh nghiệp, tài chính nhiều khu vực trên thế giới lấy hình ảnh minh họa của các nước chung quanh như Hàn Quốc, Trung Quốc… biết cách thu hút nguồn lực nước ngoài để biến thành các con hổ, rồng trên thế giới và chỉ ở Việt Nam “trí thức hải ngoại vẫn là tiềm năng”.

Thậm chí, vị giáo sư còn trăn trở, gần 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam hôm nay vẫn còn đặt những câu hỏi và thảo luận vấn đề mời gọi, đóng góp của trí thức hải ngoại. Rõ ràng, có nhiều khoảng cách giữa trí thức hải ngoại và thực tế trong nước.

“Chính sách trí tuệ hải ngoại”

Đó cũng là lý do vì sao ban tổ chức sự kiện đã chọn một trong 4 chuyên đề đưa ra để bàn luận trong hội nghị lần 2 về “Trí thức ở nước ngoài với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - Từ tiềm năng đến thực tế”.

Phần đông các tham luận của các đại diện kiều bào trí thức đều chỉ ra những thực trạng khó khăn khi họ muốn quay về “nguồn cội” nhưng đa phần vướng cơ chế, môi trường làm việc.

Theo Tiến sĩ Lương Cần Liêm - Giảng viên Đại học Paris, Chủ tịch Hội Pháp Việt Tâm thần và tâm lý học, cần phải hiểu và biết lắng nghe tâm tư của nhiều thế hệ Việt kiều để đi đến xây dựng một “chính sách trí tuệ hải ngoại” vững chắc và lâu dài.

Còn giáo sư Hà Tôn Vinh thì hiến kế, một chính sách mời gọi “2 trong 1” mà ông mượn từ Hán Việt để chỉ ra: “Vô tri bất mộ” - mời một số trí thức hải ngoại có tiếng, có công trình nổi bật về tham quan du lịch trước khi về sống và làm việc; “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” - chọn lựa một số ít ngành nghề và mời trí thức hải ngoại về làm việc để xây dựng hình ảnh, cơ hội, tạo nên nhiều câu chuyện thành công.

Thực tế những câu chuyện trở về của trí thức kiều bào đã ra hoa nở nhụy trong mảnh vườn ươm trí thức của đất nước.

Giáo sư Trương Nguyện Thành (Mỹ) đã thành công khi xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TPHCM, nơi hiện ông là viện trưởng; Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ (Canada) triển khai ứng dụng công nghệ nano cho Công ty Hóa mỹ phẩm Mỹ Lan (Trà Vinh); Giáo sư Trần Thanh Vân với Trung tâm Hội nghị Quốc tế Quy Nhơn…

Phía cơ quan chức năng trong nước cũng đã nhìn ra những hạn chế cho việc thu hút chất xám ở hải ngoại và đang từng bước khắc phục.

Ông Trần Tuấn Dũng cho biết, ba mục tiêu Việt Nam sẽ thực hiện để khơi thông nguồn lực trí thức kiều bào.

Trong đó có việc hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào kèm theo các đãi ngộ tương xứng, đặc biệt với giới trí thức trình độ chuyên môn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Đồng thời xác định, phân nhóm các chuyên gia, trí thức đầu ngành tạo cầu nối thông tin trao đổi trong ngoài nước…

Nhiều người trẻ

Điểm nổi bật trong lần tham dự hội nghị này, nhiều thanh niên trẻ đã xuất hiện song hành cùng các bậc cha chú. Đa số những gương mặt này đều là thế hệ sinh ra tại hải ngoại nên nói tiếng Việt giọng còn lơ lớ.

Trong giờ giải lao ngoài hành lang của Hội trường Thành ủy, nhiều bạn trẻ kiều bào đã tích cực trao đổi thông tin với nhau.

Nhiều thế hệ người Việt hải ngoại tiếp tục về nguồn cội Ảnh: Hữu Vinh.

Chị Hằng (Canada) đang điều hành hệ thống spa ở TPHCM cho biết rất hạnh phúc khi được tham dự sự kiện này.

“Những chính sách rộng cửa, khuyến khích, thu hút đầu tư của Nhà nước đối với bà con kiều bào trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi. Tôi mong sao các hội thảo chuyên đề tại hội nghị lần này diễn ra sâu sắc hơn, chuyển tải hết tâm tư, nguyện vọng và trí tuệ của bà con để phát triển cộng đồng người Việt ở nước ngoài và phát triển đất nước Việt Nam bền vững, xứng tầm”.

Chàng trai Nguyễn Trương Khoa từ New Zealand cho biết, đây là thứ hai anh được Ủy ban NVNVONN mời tham dự sự kiện. Lần trước anh có mặt dự lễ kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

“Hội nghị là dịp tập hợp các tinh hoa trí tuệ của kiều bào. Tôi mong Nhà nước có chế độ chính sách hợp lý để thu hút nhân tài. Nếu sử dụng người Việt ở nước ngoài thì người đó phải có trình độ đại học và ít nhất 10 năm làm việc ở nước sở tại thì họ mới có chất xám đóng góp cho đất nước. Những người đó, họ về Việt Nam là để cống hiến nhiều hơn chứ không phải kiếm tiền. Với cá nhân tôi, tôi cũng có dịp về nước, và tôi mong muốn có một chút chất xám của mình để lại cho đất nước”- Khoa nói.

Năm 1990, Khoa cùng ba mẹ qua New Zealand ở với anh trai. Sau một thời gian tạm ổn định cuộc sống tại xứ người, anh được chuyển ngay vào học lớp 7 (tương đương lớp 12) do tuổi đã lớn.

Nhưng chỉ một tuần sau, vì không thể theo kịp, anh tự nguyện xin chuyển xuống lớp 3. Lớn hơn các bạn cùng trang lứa rất nhiều, lại không phải là người bản địa, nhiều lần anh bị chê cười vì ai cũng cho rằng anh nên đi kiếm một công việc kiếm sống thay vì đi học từ đầu như vậy.

Ngoài giờ đi học là anh lại kiếm việc làm thêm để sống, khi thì lau dọn bàn ghế, khi thì làm phu hồ xây dựng. Hơn nữa, muốn theo kịp lớp, anh phải dành thời gian học thâu đêm suốt sáng.

Với nỗ lực phi thường, chỉ 4 năm sau, không những tiếng Anh của anh đã thành thục, anh còn đậu vào trường đại học tổng hợp Victoria, chuyên ngành kinh tế.

Năm 1997, trước khi tốt nghiệp đại học, anh được nhà trường đặc cách học tiếp lên thạc sĩ. Khoa đi làm và tiếp tục học. Năm 2000, Khoa lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành kế toán tại trường đại học Massey. Anh cũng có bằng kiểm toán quốc tế do Hiệp hội Kiểm toán quốc tế cấp.

Và nay, anh là tổng giám đốc công ty Grey Hound Racinaz có chi nhánh tại nhiều quốc gia trên thế giới, với một tổ ấm hạnh phúc bên người vợ gốc Ấn Độ cùng hai con.

Theo Báo giấy