TT-HUẾ:

Xây 'biệt phủ' trái phép trên đất nông nghiệp, chủ công trình nhận quả đắng

TPO - Tự ý san lấp đất nuôi trồng thủy sản gần khu đô thị mới ở Huế để xây ngôi “biệt phủ” bề thế nhưng bị chính quyền phát hiện, lập biên bản yêu cầu xử lý, chủ công trình sau nhiều lần lần lữa chấp hành với lý do cá nhân, cuối cùng đành phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng chi phí cho việc tháo dỡ, đập bỏ công trình có trị giá tiền tỷ này.

Ngày 10/3, ông Ngô Hữu Thuận, Chủ tịch UBND phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế) cho biết, một khu nhà có kết cấu, kiến trúc quy mô như "biệt phủ" xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn phường đang được dỡ bỏ, sau khi chính quyền địa phương và lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản, yêu cầu xử lý.

Ngôi "biệt phủ" xây trái phép trên đất nông nghiệp thời điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng

Chủ nhân của ngôi “biệt phủ” là ông Nguyễn Th Ph. (ngụ phường Thủy Dương, Hương Thủy). Công trình “biệt phủ” xây trái phép trên đất nông nghiệp thuộc thửa đất số 26 - tờ bản đồ số 10, phường Thủy Dương.

Trước đó, vào năm 2019, ông Nguyễn Th Ph. cho tiến hành xây dựng trái phép ngôi “biệt phủ” gồm nhiều hạng mục: nhà rường rộng 150 m2 để làm nhà thờ, nhà xe, sân nền xi măng, tường rào bề thế trên khu đất khoảng 500m2. Sau đó, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Khu đất xây “biệt phủ” nằm sát khu đô thị cao cấp Đông Nam Thủy An và giáp với địa giới hành chính TP Huế.

Đây là công trình mang dáng dấp cổ xưa, nguy nga, bề thế

Ông Ph. cho biết, đây là công trình thờ tự của gia đình. Trước đây, nhà thờ của gia đình nằm ở đường Khúc Thừa Dụ, phường Thủy Dương. Sau đó, gia đình có nguyện vọng chuyển ngôi nhà thờ về gần nhà ở để tiện bề nhang khói, nên đã cho xây dựng công trình này.

Theo Chủ tịch phường Thủy Dương Ngô Hữu Thuận, mảnh đất ông Nguyễn Th Ph. xây dựng công trình thuộc đất nông nghiệp, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chủ đất từng bày tỏ nguyện vọng muốn làm thủ tục xin cấp “giấy đỏ” đối với khu đất này.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và làm cơ sở chuyển mục đích sang thành đất ở, ông Ph. phải tháo dỡ các công trình xây dựng hiện hữu, trả lại nguyên trạng ban đầu. Lúc đó, cơ quan chức năng mới có cơ sở để xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan cấp giấy và chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân.

Mặt khác, do ông Ph. vi phạm về cải tạo đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, nên sau khi phát hiện và kiểm tra, UBND thị xã Hương Thủy từng ra quyết định buộc tháo dỡ công trình trong thời hạn 60 ngày (kể từ 24/9/2021).

Sau quyết định này, ông Ph. có đơn (ngày 27/11/2021) đề nghị xem xét một số đề xuất, trình bày bản thân bị bệnh hiểm nghèo (có giấy chứng nhận của bệnh viện), kèm nguyên nhân do thời tiết mùa đông, cùng với thuê nhân công khó khăn... nên chưa thể tự khắc phục hậu quả như quyết định của UBND thị xã Hương Thủy.

UBND thị xã Hương Thủy đã tổ chức cuộc họp nghe “tâm tư nguyện vọng” của chủ công trình và để ông Ph. tự tháo dỡ ngôi "biệt phủ".

Công trình xây dựng trái phép hiện trong giai đoạn tháo dỡ

Sau một thời gian, đến tháng 3/2022, công trình bắt đầu được tháo dỡ. Ông Ph. cho biết, ông đã thuê 10 công nhân, chia làm hai tốp thợ đến tháo dỡ công trình. Nhóm thợ hồ phụ trách tháo ngói, đập tường; thợ mộc tháo dỡ phần nhà rường khung gỗ được chạm khắc công phu… Công việc tháo dỡ tổ chức cẩn thận, tỉ mẩn bằng phương pháp thủ công để tránh hư hỏng vật liệu như ngói liệt, cấu kiện gỗ nhà rường, vì còn để tái sử dụng sau khi dựng lại nhà thờ mới sau này.

Chủ nhân ngôi “biệt phủ” còn cho biết, các công đoạn tháo dỡ có thể kéo dài gần nửa tháng, chi phí cho việc hạ giải công trình khoảng 300 triệu đồng.

“Đây là khu đất tôi mua lại, nay phù hợp quy hoạch đất ở, không có tranh chấp. Vì vậy, sau khi tháo dỡ sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng và tiến hành xây dựng lại”, ông Ph. cho biết thêm.