Xã hội hóa giáo dục: Bao giờ hết cảnh 'ăn đong' ?

TPO - Sáng nay (18-12), tại Hà Nội Hội thảo “Xã hội hóa giáo dục- thực trạng và giải pháp” đã nhận được nhiều đề xuất để xã hội hóa giáo dục sẽ phát triển bền vững chứ không ăn đong như hiện nay.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Hoàng Yến - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, trong thời gian qua, xã hội hóa giáo dục đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần đa dạng hóa các loại hình trường, lớp, mở các trường công lập, dân lập và tư thục; đa dạng hóa các hình thức học tập: chính quy, không chính quy và phi chính quy.

GS Yến cũng cho biết, qui mô trường lớp, qui mô học sinh và giáo viên ngoài công lập phát triển nhanh và hợp lý trong các năm qua. Giáo dục ngoài công lập phát triển, đặc biệt trong giáo dục nghề nghiệp và đại học. Trong 10 năm qua tỷ trọng quy mô đào tạo ngoài công lập trong tổng quy mô đào tạo tăng: sơ cấp nghề tăng từ 28% lên 44%, trung cấp và cao đẳng nghề tăng từ 1,5% lên 55,5%, trung cấp chuyên nghiệp tăng từ 5,6% lên 27,2% cao đẳng tăng từ 7,9% lên 19,9%, đại học tăng từ 12,2% lên 13,2%.

Ông Nguyễn Xuân Phương- Phó chủ tịch Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VCEFA) lại chỉ ra một số hạn chế và yếu kém của xã hội hóa giáo dục như nhiều cơ sở đào tạo ngoài công lập được thành lập và đi vào hoạt động nhưng không thực hiện đầy đủ các cam kết trong dự án đầu tư được phê duyệt, không thực hiện được các tiêu chí về vốn đầu tư, về diện tích đất đai, về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên.

Mức thu học phí được quy định rất thấp trong một thời gian dài (từ 1998 đến 2010) chậm được sửa đổi giảm nguồn thu đán kể cho các cơ sở giáo dục đào tạo cộng lập; còn nhiều khó khăn vướng mắc về chế độ chính sách cho giáo viên, xác định giá trị tài sản, quyền sở hữu … của các trường bán công, dân lập khi chuyển sang tư thục; hầu hết các cơ sở giáo dục ngoài công lập không được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp do không đáp ứng được một số tiêu chí quá cao đối với lĩnh vực xã hội hóa như quy định diện tích đất tối thiểu là 55m2/1 sinh viên.

Theo PGS-TS Đặng Quốc Bảo - Nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục cho rằng sự quản lý nhà nước đối với công tác xã hội hóa giáo dục nói chung, đặc biệt là sự quản lý hệ trường ngoài công lập còn nhiều bất cập. Ở nước ta còn thiếu các quy định thật “thấu tình đạt lý” cho việc huy động sự đóng góp của nhân dân, cho nên có nơi thì lạm thu, có nơi thì không thu đủ cho sự trang trải các nhu cầu đào tạo.

Cũng theo GS Bảo, việc quản lý các trường ngoài công lập từ mầm non đến đại học thiếu các chế tài thuyết phục nên không phân biệt nơi nào chịu ảnh hưởng của “thương mại hóa giáo dục”, nơi nào tiến hành giáo dục không vụ lợi, tạo nên tâm lý xã hội chưa thực sự tín nhiệm phương thức trường ngoài công lập. Việc chấm dứt quá sớm trường bán công theo luật đưa đến tình trạng nhiều nơi loay hoay không biết chuyển loại hình này hoạt động theo cơ chế thích hợp nào, đã hạn chế một động lực phát triển

Bao giờ hết cảnh “ăn đong”

PGS-TS Đặng Quốc Bảo - Nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục đề xuất giải pháp, tiếp tục phát triển hệ thống trường ngoài công lập đối với tất cả các ngành học vừa chú ý ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong đào tạo, vừa có chính sách khuyến khích những đơn vị làm tốt có xu hướng lành mạnh trong tổ chức đào tạo.

“Khi nào tạo nên sự cộng hưởng ba trạng thái: tổ chức nhà nước, cơ chế thị trường và sự hoạt động của mạng lưới các đoàn thể xã hội phục vụ cho mục tiêu xã hội hóa giáo dục, lúc đó xã hội hóa giáo dục sẽ phát triển bền vững chứ không ăn đong như tình trạng hiện nay.”- GS Bảo cho biết

Ông Nguyễn Xuân Phương- Phó chủ tịch Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VCEFA) cho biết, định hướng đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012-2016 sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo và dạy nghề, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ yêu cầu xã hội.

Đặc biệt, chú trọng công tác quy hoạch và kế hoạch, xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và dạy nghề, gắn với dự báo nhu cầu từ thị trường lao động và các điều kiện bảo đảm. Cả hệ thống giáo dục và dạy nghề phải chuyển mạng sang đào tạo theo nhu cầu xã hội tạo điều kiện huy động các doanh nghiệp hỗ trợ đóng góp cho nhà trường, cũng như thành lập mới các trường trong doanh nghiệp.

Xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi hữu hiệu và khả thi để khuyến khích phát triển mạnh mẽ và củng cố chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề trong các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề ngoài công lập.

Theo đó, cần tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo và dạy nghề; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng nguồn lực cho giáo dục đào tạo và dạy nghề: tranh thủ mọi nguồn viện trợ của quốc tế để tăng cường đầu tư cho giáo dục và dạy nghề, ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường đạ học xuất sắc, một số trường nghề chất lượng cao, trường nghề đẳng cấp quốc tế.

Theo Viết