VWS nói về thông tin điều chỉnh giấy phép đầu tư

TP - Trước thông tin cho rằng Cty TNHH Xử lý chất thải Đa Phước- VWS có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh cũng như xử lý rác có giá cao hơn so với một số đơn vị, ông David Dương- Tổng giám đốc VWS vừa có công văn gửi Thường trực Thành ủy, UBND TPHCM cùng các ban ngành cho biết đã có thông tin không chính xác về VWS tại Việt Nam.
Dự án Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước được đầu tư 150 triệu USD theo công nghệ của Hoa Kỳ

Điều chỉnh giấy phép là chính đáng 

Trong công văn do ông David Dương ký gửi ngày 24/1, cho thấy việc VWS xin điều chỉnh giấy phép đầu tư là vì mục đích chính đáng. Theo ông Dương, trước đó ngày 03/11/2014 của VWS gửi UBND TPHCM và Sở Kế hoạch- Đầu tư TPHCM nêu rõ: Mục đích của VWS trong việc xin điều chỉnh nâng công suất tiếp nhận lên thành 10.000 tấn rác/ngày là để phù hợp với công suất đã thiết kế, xây dựng của bãi chôn lấp công nghệ cao. Việc điều chỉnh nâng công suất tiếp nhận hàng ngày này không ảnh hưởng đến tổng khối lượng 24 triệu m3 của bãi chôn lấp công nghệ cao đã được thiết kế bởi chuyên gia Hoa Kỳ và được Bộ Kế hoạch Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư số: 2535/GP ngày 28/12/2005 và Bộ Xây dựng thẩm định. 

  

“Việc xin điều chỉnh giấy phép nâng công suất tiếp nhận là đúng với quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế hoạt động hiện nay bởi TP đã có quyết định đóng cửa bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường ở Phước Hiệp, huyện Củ Chi và đã bắt đầu chuyển tổng khối lượng rác về cho VWS xử lý và chôn lấp theo công nghệ cao. Quyết định là đến cuối tháng 03/2015 bãi chôn lấp Phước Hiệp sẽ đóng cửa và không tiếp nhận rác chôn lấp tại đây”- công văn nêu rõ. 

Theo công văn do ông Dương ký, nêu lý do vì là dự án bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và là nhà chuyên nghiệp trong ngành thu gom, xử lý rác tại Hoa Kỳ nên các dự án về xử lý môi trường của VWS luôn được thiết kế và xây dựng thêm công suất dự phòng để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình hoạt động. Việc điều chỉnh này chỉ là một thủ tục pháp lý, chứ không nhất thiết bắt buộc Thành phố phải giao đủ 10.000 tấn rác/ ngày cho VWS xử lý.

Nói về việc thực hiện Luật cạnh tranh, lãnh đạo VWS cho biết, căn cứ công văn của UBND TP thì nếu như VWS nhận thêm tổng khối lượng rác từ Phước Hiệp sẽ nâng công suất lên đến 5.000 – 5.500 tấn/ ngày và sẽ chiếm khoảng 75% tổng khối lượng rác xử lý mỗi ngày của toàn TP, tính theo tổng số tấn rác thu gom/ ngày của Thành phố là: 6,700 tấn – văn bản cho rằng đây là dấu hiệu vi phạm điều cấm của luật cạnh tranh.

 Tuy nhiên theo VWS, hiện TPHCM có rất nhiều công ty được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác như: Tâm Sinh Nghĩa, Vietstar, Quốc Việt và một số đơn vị khác chứ không phải chỉ riêng VWS được cấp phép độc quyền. Như vậy, việc VWS xử lý 75% hoặc 100% khối lượng rác của Thành phố không phải là dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh và kết luận này là hoàn toàn không đúng. Có hay chăng Công ty VWS đã cạnh tranh với các dự án khác trong Thành phố bằng quyết tâm làm tốt nhất trong khả năng có thể để xử lý rác thải, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người dân Thành phố nên đã được Thành phố tin tưởng, giao thêm rác đến cho chúng tôi xử lý.

“Giá xử lý phù hợp”

Về đơn giá xử lý rác, ông David Dương nói: “Công văn số: 299/UBND-ĐT của UBND TP cho rằng chúng tôi không xây dựng Nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế công suất 2.500 – 3.000 tấn/ ngày. Việc này không đúng vì căn cứ nội dung Hợp đồng sẽ có 3 thành phần rác mà Thành phố phải giao cho VWS gồm: phế liệu để công ty có thể phân loại, tái chế; rác hữu cơ để sản xuất phân compost và bãi chôn lấp công nghệ cao. 

Theo ông David Dương, VWS đã thực hiện đúng các cam kết của Hợp đồng ký với Thành phố, cụ thể: bãi chôn lấp công nghệ cao đã đi vào hoạt động từ năm 2007; Nhà máy phân loại tái chế đã hoàn thành từ năm 2010; Nhà máy phân compost năm 2011…nhưng do Thành phố không thực hiện được việc thu gom, phân loại rác tại nguồn giao cho VWS nên hai nhà máy trên được đầu tư gần 20 triệu Mỹ Kim vẫn bị trùm mền đã nhiều năm nay. 

VWS đã gửi rất nhiều văn bản cho UBND TP và Sở Tài nguyên- Môi trường TPHCM yêu cầu tuân thủ theo Hợp đồng nhưng đến nay TP vẫn chưa thực hiện. Tổng khối lượng rác Thành phố giao cho VWS là rác lẫn lộn các chất thải sinh hoạt hàng ngày, không có phế liệu để công ty phân loại và có nhiều chủng loại tạp chất gây ảnh hưởng sức khỏe người lao động, chỉ có thể xử lý theo công nghệ chôn lấp công nghệ cao.

VWS đã có rất nhiều cố gắng trong khi chờ đợi Thành phố thực hiện đúng theo Hợp đồng đã ký. Công ty đã tiếp tục làm tốt hơn và đầu tư nhiều hạng mục hơn so với cam kết ban đầu như xây dựng trạm rửa xe tự động để các xe tải chở rác vào công trường được rửa sạch khi trở ra và chạy trên đường không phát tán ra mùi hôi thối; đầu tư Nhà máy sản xuất điện năng từ khí bãi chôn lấp; lắp đặt Nhà máy xử lý nước với công nghệ lọc Nano – là Nhà máy xử lý nước rỉ rác công nghệ cao đầu tiên so với dự án khác (có dự án khác thậm chí còn bơm nước giếng lên pha loãng với nước rỉ rác rồi xả thải ra môi trường); đầu tư công nghệ phun xịt Poshi-Shell che đậy rác, khử mùi hôi và giết côn trùng hàng ngày. VWS phải tốn kém chi phí vài chục ngàn Mỹ Kim hàng tháng để nhập nguyên liệu thân thiện môi trường, phun xịt hàng đêm trong lúc các xe đang đổ rác để khống chế mùi hôi của rác phát tán đến người dân xung quanh vì Thành phố không thực hiện việc xây dựng vành đai cây xanh cách ly như quy định của luật môi trường...

Sau khi đóng bãi, Khu liên hợp vẫn tiếp tục các công tác xử lý khí, mùi, xử lý nước thải, và các vận hành liên quan về môi trường, đảm bảo tất cả rác chôn lấp được xử lý triệt để. Chi phí cho các hoạt động này rất lớn mà không có doanh thu. Ngoài ra, sau khi đóng bãi VWS sẽ xây dựng trên bãi chôn lấp công nghệ cao một khu vui chơi sinh thái có lợi ích cho xã hội, không như những bãi chôn lấp khác của Thành phố đã đóng cửa nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường như Gò Cát, Đông Thạnh. 

Công văn số: 299/UBND-ĐT còn cho rằng Thành phố trả cho VWS cao hơn các dự án khác 3 triệu Mỹ Kim/ năm. Theo ông Dương, thực tế, giá xử lý rác của VWS hiện nay là giá đã được tổ đàm phán liên ngành (gồm tất cả các ban ngành chức năng của Thành phố) thương thảo, đàm phán với VWS trước khi dự án chính thức được thực hiện. Đây là dự án được đầu tư 100% bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, còn dự án ở Phước Hiệp là nguồn vốn do ngân sách Thành phố đầu tư và thanh toán cho tiền xử lý rác nên không thể so sánh như nhau được. Hơn nữa, đơn giá xử lý rác còn căn cứ trên quy mô đầu tư kỹ thuật khác nhau, công nghệ vận hành và xử lý khác nhau, tiêu chuẩn bảo đảm về mặt môi trường của mỗi dự án khác nhau nên giá thành xử lý rác sẽ phải có sự chênh lệch khác nhau. 

Ông David Dương cũng cho biết, đơn giá xử lý rác đã được VWS giải trình rất nhiều lần, nhưng mỗi lần Thành phố có thay đổi lãnh đạo và lại có thắc mắc thì VWS lại có nhiệm vụ phải giải trình. Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước là một dự án lâu dài, thời hạn hợp đồng kéo dài 50 năm mà nhà đầu tư cứ phải giải trình hoài như vậy thì rất mệt mỏi, trong khi ở nước ngoài người ta chỉ cần căn cứ theo các nội dung của hợp đồng đã thỏa thuận và ký kết để thực hiện, chứ không bị ảnh hưởng hoặc phụ thuộc vào sự thay đổi của bất kỳ nhiệm kỳ lãnh đạo nào.

“Là một doanh nghiệp Việt kiều được phái đoàn của TPHCM sang Hoa Kỳ năm 2003 kêu gọi về Thành phố đầu tư, giúp giải quyết bài toán nan giải về xử lý rác vào thời điểm đó. Chúng tôi cũng đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam về quê hương tham gia đầu tư, xây dựng, góp phần phát triển đất nước. Chúng tôi đã đầu tư theo hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý môi trường – một ngành nghề rất mới mẻ tại Việt Nam vào đầu những năm của thập kỷ 90. VWS rất tự hào vì đã được Thành phố tin tưởng, giao cho nhiệm vụ xử lý rác, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp cho người dân Thành phố thông qua hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn. Đến nay hợp đồng này đã thực hiện được 9 năm và chuẩn bị bước sang năm thứ 10”- ông David Dương nói.