BHXH tự nguyện tiếp tục "đột phá"
Trong 6 tháng đầu năm nay, dịch COVID-19 tiếp tục tác động mạnh tới nền kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, BHXH Việt Nam luôn chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đề xuất Chính phủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động (NLĐ) gặp khó khăn do dịch COVID-19, như: tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; giảm mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp; chi Quỹ BHTN để hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại LĐ duy trì việc làm...
Với những nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp, như: Giao kế hoạch thu, phát triển người tham gia bảo hiểm cho BHXH địa phương; mở rộng hệ thống đại lý thu; rà soát, phân loại các nhóm có khả năng nhưng chưa tham gia BHXH...
Nhờ đó, trong nửa đầu năm, các chỉ tiêu về phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đều đạt tiến độ khá, tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, người tham gia BHXH tự nguyện tăng gần 66% so với cùng kỳ năm 2020. Qua tăng cường thanh kiểm tra theo hình thức điện tử, rà soát dữ liệu cũng góp phần phát hiện và xử lý các sai phạm về chế độ của chủ sử dụng với NLĐ...
Về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, ngành BHXH đã giảm thêm 2 thủ tục (còn 25 thủ tục hành chính), tất cả thủ tục đều được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Với úng dụng VssID - BHXH số, tới nay đã có hơn 11 triệu người cài đặt, đã chính thức sử dụng ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay cho thẻ BHYT giấy khi khám chữa bệnh trên toàn quốc...
Chung tay cùng vượt dịch COVID-19
Trong bối cảnh dịch bệnh, bên cạnh hoàn thành các nhiệm vụ được giao, việc hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp gặp khó khăn cũng là nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết. BHXH Việt Nam đã kịp thời thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó dịch COVID-19; linh hoạt trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho người hưởng.
Cụ thể như: chi trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng vào cùng đợt chi trả với địa bàn bị phong tỏa vì dịch bệnh; BHYT chi trả để cấp thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mãn tính với thời gian dài hơn (tối đa 3 tháng); thanh quyết toán đầy đủ chi phí khám chữa bệnh BHYT liên quan đến dịch COVID-19; đẩy mạnh giao dịch điện tử để giảm tiếp xúc góp phần phòng chống dịch...
Đặc biệt, trong triển khai gói an sinh lần 1 (theo Nghị quyết 42), cơ quan BHXH có vai trò xác nhận NLĐ đủ điều kiện hưởng chính sách. Tới hết tháng 5/2021, BHXH Việt Nam đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với 1.847 đơn vị đang sử dụng hơn 192.500 LĐ, tổng tiền tạm dừng đóng trên 786 tỷ đồng. Cơ quan BHXH cũng xác nhận NLĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, mất việc làm để được hỗ trợ từ nhà nước với hơn 168.700 người.
Ngành BHXH cũng tích cực vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ủng hộ chi phí phòng chống dịch...
Nửa cuối năm được xác định dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT gặp không ít trở ngại. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho hay, nửa cuối năm, toàn ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chính phủ giao. BHXH các địa phương sẽ nhanh chóng tham mưu với chính quyền địa phương để lập Ban Chỉ đạo các cấp về triển khai chính sách BHXH, BHYT. Đẩy mạnh chi trả chế độ không dùng tiền mặt; đảm bảo quyền lợi người tham gia nhưng kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT. Ngành BHXH sẽ tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng dịch vụ công trực tuyến, tích hợp thêm dịch vụ lên ứng dụng VssID.
“Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, tổng hợp báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời. Qua đó đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, với quyết tâm cao nhất hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao”, ông Mạnh nói.
Theo BHXH Việt Nam, trong nửa đầu năm, toàn quốc có trên 16,1 triệu người tham gia BHXH (đạt gần 32,5% lực lượng LĐ). Trong đó có 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, hơn 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt tỷ lệ tăng lần lượt 3,5% và gần 66% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 87,5 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,2%, bao phủ 89,6% dân số. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục được đảm bảo đầy đủ, kịp thời.