Ông đánh giá thế nào về quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương (gọi tắt Tổ công tác)?
Tổ công tác của Chính phủ được quyền xem xét các vấn đề của thị trường BĐS để trình các cấp có thẩm quyền giải quyết. Mục đích của Tổ công tác là nắm tình hình thật chính xác, đầy đủ, tìm cho được nguyên nhân, vướng mắc thuộc về cấp thẩm quyền nào giải quyết. Ví dụ, vướng mắc về luật thì cấp thẩm quyền là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, trong đó có vai trò của Chính phủ và các bộ. Tuy nhiên, vai trò của Chính phủ và các bộ chỉ là nơi đề xuất nhưng trước khi đề xuất thì các bộ phải tự rà soát và đề xuất tháo gỡ.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể ban hành nghị quyết, nghị quyết đó có giá trị như văn bản quy phạm pháp luật. Nếu luật sửa chưa được thì Quốc hội có thể ban hành nghị quyết - một văn bản tương đương luật. Còn thẩm quyền của Chính phủ là xây dựng và sửa đổi các văn bản dưới luật theo quy định của luật. Hiệp hội đang trông chờ Nghị định sửa đổi các Nghị định thi hành Luật Đất đai và Nghị định sửa đổi các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng.
Theo ông, Chính phủ thành lập Tổ công tác lần này sẽ tác động thế nào tới thị trường BĐS?
Động thái này của Chính phủ sẽ tác động tích cực đối với thị trường BĐS nói chung và tâm lý người dân, giúp nâng đỡ lòng tin của thị trường. Tác động lớn nhất của quyết định này chính là tính nâng đỡ về tâm lý cho toàn bộ thị trường BĐS, cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài. Bởi niềm tin hiện nay là vấn đề hàng đầu, do đó động thái này của Chính phủ rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu và rất cần sự vào cuộc của các bộ có liên quan.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng 1%, bởi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm nên việc giải ngân thêm được 100.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm vô cùng quý.
Bên cạnh đó, NHNN cần rà lại trong trần 14% tín dụng trước đây đã giải ngân hết hay chưa? Nếu chưa thì bơm số vốn trong trần này trước để các ngân hàng “khỏe mạnh” có thêm nguồn vốn cho nền kinh tế. Đối với Bộ Tài chính, Hiệp hội kiến nghị xem xét, tháo gỡ cho thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…
Ông có đề xuất cụ thể nào giúp tháo gỡ thị trường BĐS giai đoạn hiện nay?
Riêng đối với Bộ Xây dựng, chúng tôi đề nghị xem lại kinh nghiệm của Nghị quyết 02 năm 2013 của Chính phủ về “Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu”.
Cơ chế hỗ trợ gói 30.000 tỷ đồng để “kích cầu tiêu dùng” hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà lúc đó rất ý nghĩa. Những căn nhà có giá dưới 1,05 tỷ đồng thì được hỗ trợ vay lãi suất ưu đãi, chỉ phải trả 6% trong năm 2013, từ năm 2014 đến nay chỉ phải trả 5%/năm. Đây là một nỗ lực rất lớn của Nhà nước. Tại sao chúng ta không học kinh nghiệm đó để giải quyết khó khăn trước mắt cho thị trường BĐS giai đoạn hiện nay?
Để làm được điều này, NHNN, Bộ Tài chính cần trình lên Chính phủ để Chính phủ làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có 1 gói cấp bù lãi suất cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có mức giá từ khoảng 1,5-1,8 tỷ đồng.
Xin cảm ơn ông!