Đẩy mạnh khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên
Từ ngày 12-13/5, Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI, năm 2024 diễn ra tại Trường Đại học Cần Thơ. Sự kiện do Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với địa phương tổ chức.
Phát biểu tại ngày hội, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn - Bùi Quang Huy cho biết, trong bối cảnh quốc gia hội nhập mạnh mẽ, khởi nghiệp được quan tâm nhiều ở Việt Nam, đặc biệt với các bạn sinh viên, thanh niên.
“Bất chấp những thách thức kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, xu hướng và cơ hội khởi nghiệp ngày càng tăng, với nhiều ý tưởng mới, sản phẩm dịch vụ mới. Đặc biệt các sản phẩm, dịch vụ liên quan tới công nghệ thông tin có sự phát triển nhanh… Do đó, việc đẩy mạnh khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên rất đúng đắn, quan trọng”, anh Huy nói.
Tại chương trình gặp mặt và đối thoại cùng đoàn viên, thanh niên Việt Nam vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng đã gửi thông điệp đến thanh niên cần thực hiện '5 xung kích,' '6 khát vọng'. Trong đó có 2 nội hàm về khởi nghiệp, lập nghiệp được Thủ tướng nhấn mạnh 2 lần. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với phát triển đất nước.
Theo Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, thời gian qua, ngành giáo dục, T.Ư Đoàn, các bộ ngành, địa phương đã tổ chức, triển khai thực hiện nhiều hoạt động khởi nghiệp hướng đến thanh niên, học sinh, sinh viên.
Việc thực hiện Đề án 1665 của ngành giáo dục, Đoàn Thanh niên các cấp, sự nỗ lực chung tay của các bộ ngành, địa phương, nhà trường, đã tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đặc biệt với thanh niên, học sinh, sinh viên. Các kết quả của Đề án góp phần quan trọng hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, đạt một số thành công đáng ghi nhận.
Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp
Anh Bùi Quang Huy cho biết, thời gian qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn xác định, việc đồng hành với đoàn viên, thanh niên trong khởi nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt với đoàn viên là học sinh, sinh viên. Tổ chức Đoàn các cấp đã vận động đoàn viên, học sinh, sinh viên đề xuất ý tưởng, sáng kiến; hỗ trợ dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên vốn vay. Nhiều hoạt động kết nối, kêu gọi, thu hút nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp được tổ chức Đoàn các cấp chú trọng triển khai.
Từ đó, nhiều chương trình, hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã được triển khai hiệu quả, như: Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn; thi Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên; thi Ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp sinh viên; liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo và khởi nghiệp; chương trình Chắp cánh Sinh viên khởi nghiệp...
Tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức nền tảng, kiến thức chuyên sâu về khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên; nhân rộng mô hình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, T.Ư Đoàn đã tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030. Qua đó tạo cơ chế để Đoàn Thanh niên phối hợp cùng các bộ ngành triển khai hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong giai đoạn mới.
“Trong những hoạt động hỗ trợ, đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên là một trong những mô hình hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng”, anh Huy chia sẻ.
Theo Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, qua 5 lần tổ chức, Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên đã trở thành một sân chơi lớn được tổ chức thường niên; thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia, với nhiều công trình, dự án và sản phẩm có chất lượng cao ở các lĩnh vực, ngành nghề. Từ đó lan toả rộng khắp, vun đắp khát vọng khởi nghiệp trong thanh niên.
Từ những dự án, ý tưởng của sân chơi này, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hỗ trợ học sinh, sinh viên phát triển, hiện thực hoá các sản phẩm, tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cam kết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương quyết tâm triển khai hiệu quả các nội dung của Đề án 1665.
Thời gian tới, anh Bùi Quang Huy cho rằng, để đảm bảo phát triển các sản phẩm mới, phải khuyến khích chấp nhận rủi ro, loại bỏ khả năng bị trừng phạt khi xảy ra lỗi. Điều đó giúp mọi người thoải mái sáng tạo, lên ý tưởng và tăng cường hợp tác để đạt được kết quả tốt nhất.
"Để xây dựng văn hóa chấp nhận rủi ro, các lãnh đạo doanh nghiệp tương lai cần xây dựng nó ngay từ lúc còn sinh viên. Tôi mong muốn các bạn đừng e ngại trong thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình. Muốn thành công, khao khát thành công phải lớn hơn nỗi sợ bị thất bại”, anh Huy nói thêm.
Bên cạnh đó, hiện phần lớn các cơ sở giáo dục đã có các chương trình, kế hoạch triển khai hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, để thực hiện tốt, bài bản các kế hoạch đó cần thành lập thiết chế phù hợp; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và nhân rộng mô hình thành công...
Khảo sát được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam thực hiện năm 2023 đối với gần 30.000 sinh viên trên cả nước cho thấy: Có gần 19% sinh viên có mong muốn được khởi nghiệp sau khi ra trường; gần 20% sinh viên chọn hình mẫu hướng đến “người khởi nghiệp”, dẫn đầu so với các hình tượng khác. Các số liệu trên cho thấy khởi nghiệp đang là xu hướng lớn được sinh viên cả nước quan tâm.