Vụ tàu khu trục Mỹ va tàu chở hàng: Dừng tìm kiếm thủy thủ mất tích

TP - Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đóng tại Nhật Bản hôm qua cho biết, chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ 7 thủy thủ mất tích trong vụ tàu khu trục Mỹ đâm va với một tàu chở hàng ở vùng biển ngoài khơi Nhật Bản đã kết thúc. Nguyên nhân vụ tai nạn hiếm gặp vẫn chưa được xác định.
Lính Mỹ khiêng người trên tàu USS Fitzgerald bị thương. Ảnh: CNN.

Nhưng Phó Đô đốc Joseph Aucoin từ chối cho biết bao nhiêu thi thể đã được tìm thấy trên tàu khu trục USS Fitzgerald sau khi tàu được đưa về cảng nhà ở Yokosuka, tỉnh Kanagawa. Sau cú va chạm với tàu container hôm 17/6, tàu  Fitzgerald bị một vết rạn lớn ở phần dưới nước, ông Aucoin cho biết. “Tổn thất khá lớn. Có một vết nứt lớn ở phần dưới nước”, Reuters dẫn lời ông Aucoin nói trong cuộc họp báo tại căn cứ hải quân Yokosuka. Ông nói rằng, những nỗ lực hết mình của thủy thủ đoàn đã cứu được con tàu. Fitzgerald có thể sửa được, nhưng quá trình đó phải mất vài tháng. “Hy vọng là ít hơn 1 năm. Các bạn sẽ thấy USS Fitzgerald trở lại”, ông Aucoin nói.

Thi thể của các thủy thủ mất tích sau vụ va chạm hôm qua được tìm thấy trong những khoang bị ngập nước. Đội tìm kiếm đã vào được những chỗ bị hư hỏng nặng sau vụ va chạm và đưa thi thể các thủy thủ đến bệnh viện hải quân ở Yokosuka để nhận dạng, Hải quân Mỹ thông báo. Gia đình các thủy thủ xấu số đã được báo tin và được hỗ trợ những thứ cần thiết. Tên của các nạn nhân sẽ được công bố sau. Sau vụ va chạm trước lúc bình minh, Fitzgerald được đưa về cảng Yokosuka vào chiều tối cùng ngày, với thủy thủ đoàn xếp hàng ngay ngắn trên boong. Còn tàu chở hàng mang cờ Philippines được đưa vào bến tàu Oi ở Tokyo, nơi các thành viên thủy thủ đoàn bị thẩm vấn về nguyên nhân vụ va chạm.

Ít nhất 3 thành viên thủy thủ đoàn, trong đó có chỉ huy tàu, bị thương trong vụ va chạm. Chỉ huy tàu USS Fitzgerald, ông Bryce Benson, được chuyển bằng máy bay đến bệnh viện với vết thương ở đầu sau vụ va chạm, nhưng nay sức khỏe đã ổn định. Hai thành viên khác bị vết thương cắt hoặc bầm tím cũng được chở đến viện.

Nhiệm vụ của các nhà điều tra là phải xác định bằng cách nào mà một tàu chiến phức tạp của Mỹ có thể va chạm với một tàu chở hàng lớn hơn nó 4 lần. Dữ liệu từ tàu chở hàng ACX Crystal cho thấy con tàu này đã đảo ngược hành trình khoảng 25 phút trước khi xảy ra tai nạn, theo thông tin trên trang MarineTraffic.com. Khi đó, hầu như tất cả gần 300 thủy thủ đang ngủ trong các khoang.

Tàu khu trục USS Fitzgerald sau vụ va chạm. Ảnh: Getty Images.

“Cẩu thả nghề nghiệp”

Khi được hỏi liệu hư hỏng ở mạn phải có nói lên rằng con tàu bị điều khiển sai hay không, ông Aucoin từ chối suy đoán nguyên nhân va chạm. Theo quy tắc hàng hải, các tàu phải nhường đường cho tàu khác ở mạn phải.

Ông Benson chỉ huy tàu Fitzgerald từ ngày 13/5. Trước đó, ông chỉ huy một tàu quét thủy lôi ở Sasebo, miền tây Nhật Bản. Giới chức Nhật Bản đang xác định khả năng va chạm do “cẩu thả nghề nghiệp”, báo chí Nhật đưa tin. Nhưng chưa rõ khả năng này xảy ra với một hoặc cả hai tàu. Hải quân Mỹ nói rằng, vụ va chạm xảy ra lúc 2h30 (giờ địa phương), còn Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản thông báo thời gian xảy ra tai nạn là 1h0. Nippon Yusen KK, công ty Nhật thuê tàu ACX Crystal, tuyên bố hôm 17/6 rằng, họ sẽ hợp tác đầy đủ với đội điều tra của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Với lượng rẽ nước khoảng 29.000 tấn, tàu ACX Crystal lớn hơn nhiều so với tàu chiến 8.315 tấn của Mỹ. Lúc xảy ra tai nạn, tàu ACX Crystal đang chở 1.080 container hàng từ cảng Nagoya đến Tokyo. Không ai trong số 20 thành viên trên tàu hàng này bị thương và con tàu cũng không bị rỉ dầu. Con tàu cập vịnh Tokyo cuối ngày 17/6.

Các tuyến hàng hải ra vào vịnh Tokyo luôn tấp nập tàu tương mại đến và đi hai cảng hàng lớn nhất của Nhật Bản ở Tokyo và Yokohama. Nhưng vụ va chạm như vừa qua hiếm khi xảy ra trong thời buổi công nghệ hàng hải đã rất phát triển. Vụ này gợi nhớ vụ tai nạn tương tự vào năm 1964, khi tàu sân bay HMAS Melbourne va chạm với tàu khu trục HMAS Voyager ở ngoài khơi vùng biển bang New South Wales của Úc, khiến chiếc tàu nhỏ hơn bị vỡ đôi và 82 thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gửi thông điệp đến Tổng thống Mỹ Donald Trump để chia buồn về vụ tai nạn. Ông Abe nói: “Những người đáng kính trong quân đội Mỹ đang từng ngày đóng góp lớn cho việc bảo vệ hòa bình cho đất nước chúng tôi và cho cả khu vực vì quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật mạnh mẽ”.