Đối tượng này đã bị buộc tội cố ý giết người và những tội danh khác, sau khi thực hiện vụ tấn công ông Paul Pelosi, 82 tuổi, tại nhà riêng ở San Francisco.
Nạn nhân phải phẫu thuật vì nứt hộp sọ và bị thương ở tay. Bác sĩ cho biết ông có thể hồi phục hoàn toàn.
Cảnh sát từ chối bình luận về động cơ vụ tấn công. Tuy nhiên, vụ việc gây lo ngại về tình trạng bạo lực chính trị, khi chỉ còn 2 tuần nữa là đến cuộc bầu cử giữa kỳ, sự kiện sẽ quyết định chính đảng nào được kiểm soát Hạ viện và Thượng viện Mỹ.
Cuộc bầu cử diễn ra trong giai đoạn nền chính trị Mỹ chia rẽ và phân cực nhất trong nhiều thập kỷ.
Bà Pelosi, 82 tuổi, đang ở Washington khi vụ tấn công xảy ra.
Bà đã bay về San Francisco để gặp chồng. Một chiếc SUV thuộc lực lượng an ninh đặc biệt cùng với xe tuần tra của cảnh sát đậu bên ngoài bệnh viện đa khoa Zuckerberg San Francisco ngày 29/10, nơi ông Paul Pelosi đang được điều trị.
Paul Pelosi Jr., con trai của hai vợ chồng, cũng đang có mặt ở bệnh viện. Khi được phóng viên hỏi về tình hình của bố, anh trả lời: “Đến nay vẫn ổn”.
Phát biểu với báo chí tại Delaware ngày 29/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng vụ tấn công “có vẻ nhằm vào bà Nancy”.
Cảnh sát xác nhận kẻ tấn công là David DePape, 42 tuổi. Anh ta cũng được đưa đến một bệnh viện ở San Francisco, nhưng không rõ để điều trị vết thương hay tâm lý.
Cảnh sát trưởng San Francisco William Scott nói tại cuộc họp báo ngày 28/10 rằng các thanh tra, với sự hỗ trợ của đặc vụ FBI, vẫn chưa xác định được điều gì đã dẫn đến vụ xâm nhập này, nhưng khẳng định: “Chúng tôi biết đây không phải hành động ngẫu nhiên”.
Tuyên bố của phát ngôn viên của bà Pelosi nói rằng chồng bà đã bị tấn công “bởi đối tượng hành động bạo lực, đe doạ mạng sống của ông trong lúc đòi gặp Chủ tịch Hạ viện”.
Trong khi tìm hiểu động cơ vụ tấn công, chú ý đang dồn vào hoạt động trên mạng xã hội của đối tượng.
Trong những đoạn đăng gần đây, một người dùng internet với tên “daviddepape” thể hiện sự ủng hộ dành cho cựu Tổng thống Donald Trump và thuyết âm mưu QAnon.
Những đoạn đăng của người này nhắc đến “nạn ấu dâm của sa-tăng”, những ngụ ý chống Do Thái và chỉ trích phụ nữ, người chuyển giới và kiểm duyệt của các công ty công nghệ.
Các chuyên gia về cực đoan cho rằng vụ tấn công có thể là ví dụ của xu hướng mà họ gọi là “chủ nghĩa khủng bố ngẫu nhiên”, nghĩa là những cá nhân bất ổn lấy cảm hứng từ những phát biểu hay cảnh tượng hận thù mà họ thấy trên mạng hoặc nghe từ các nhân vật nổi tiếng.