Nhà sản xuất Nhật Bản liên tục chống lại nỗ lực thắt chặt liên minh ôtô từ Renault; và nếu hãng xe Pháp chấp nhận sáp nhập với tỷ lệ 50-50 cùng FCA, điều này có thể khiến Nissan gặp bất lợi ở một số thị trường nhất định.
Ví dụ như tại Mỹ, FCA hoạt động mạnh hơn nhiều so với Nissan ở phân khúc xe bán tải, dù hãng xe Nhật đã đầu tư rất mạnh cho mẫu Titan của mình. Trong khi đó, gần đây, mẫu Ram của FCA đã vượt qua Chevrolet Silverado để trở thành ôtô bán chạy thứ 2 tại thị trường này.
Một vấn đề khác chính là việc Renault-FCA có thể làm suy yếu khả năng của Nissan nếu nhà sản xuất này quyết định tái đàm phán đối với tình trạng hiện tại của mình. Đồng thời, theo báo cáo từ Autonews Europe, cấu trúc công ty mới sẽ bị "pha loãng", khi hội đồng quản trị sẽ có tới 11 thành viên trong khi chỉ có 1 đại diện của hãng xe Nhật.
Tuy nhiên, cả Nissan và Mitsubishi đều có thể kỳ vọng kiếm thêm 1 tỷ euro nhờ việc sáp nhập của Renault và FCA.
Tập đoàn FCA cũng có phát biểu ngắn gọn đề cập "nhẹ" đến hai hãng xe Nhật Bản: "FCA mong muốn - như môt phần của doanh nghiệp liên kết với Groupe Renault - làm việc với các công ty đối tác của hãng xe Pháp để tạo nên giá trị mới dành cho các thành viên của Liên minh", và "FCA nhận biết được vị thế và thành tựu của các đối tác trong Groupe Renault và thấy được lợi ích đáng kể cho tất cả các bên từ việc mở rộng quan hệ".
Nếu vụ sáp nhập diễn ra thực sự, Nissan vẫn có thể duy trì được hai lĩnh vực rất mạnh của mình trong liên minh mới, đó là: xe điện khí hóa và công nghệ lái tự động - đây đều không phải điểm mạnh của FCA hiện tại.
Theo Theo Carscoops