Vụ phá đình 300 tuổi: Chấp nhận phương án đình bê tông?

TPO - Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến chủ trì cuộc họp sáng 16/8 giữa chính quyền địa phương và các chuyên gia để tham vấn ý kiến để xử lý vụ phá đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hoà.
Bàn phương án khắc phục ngôi đình bê tông trên nền cũ đình Lương Xá, Ứng Hoà

Gá gỗ vào khung đình bê tông

Trong cuộc họp sáng 16/8, ông Phạm Tự Khải, Trưởng thôn Lương Xá khẳng định chính quyền địa phương chấp hành văn bản yêu cầu dừng thi công từ 31/7 tới 15/8. Trước đó ngôi đình Lương Xá có những mảng chạm niên đại cuối thế kỷ 17, có giá trị kiến trúc đã bị thôn Lương Xá, xã Liên Bạt tự ý hạ giải, sau đó dựng lên năm gian đại bái hoàn toàn bằng bê tông.

Địa phương cũng nhận thức được hành động tự ý hạ giải là sai, tuy nhiên ông Khải nhắc tới nguyện vọng của người dân địa phương được tiếp tục thi công để hoàn thiện ngôi đình với năm gian đại bái bằng bê tông, những cấu kiện gỗ dỡ ra từ ngôi đình cũ xin được đưa vào các cột bê tông ở cá vị trí dưới đó.

Các cấu kiện gỗ có thể được đưa vào hậu cung, một phần được lưu giữ ngay tại đình
Phần hậu cung, người dân xin làm phần dưới bằng bê tông còn mái dùng gỗ. Các mảng chạm, cấu kiện gỗ bằng bê tông xin được lưu giữ tại đình, vì “đây là việc trong tầm tay”. Ông Khải cũng nhận sai khi tự ý hạ giải, tuy nhiên nhắc tới tình trạng đình hư hỏng sau thời gian dài và người dân mong muốn được dựng ngôi đình khang trang làm nơi thờ cúng.

Ý tưởng gắn cấu kiện gỗ vào bê tông bị phản đối ngay sau đó. KTS. Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích cho hay Viện từng có báo cáo điều tra về đình Lương Xá, lấy làm tiếc về việc đình bị phá, đánh mất phần nào không gian vốn có. Ông cho rằng phương án gắn cấu kiện gỗ lên bê tông là không khả thi vì không đồng nhất về cấu trúc, vật liệu và phong cách. PGS.TS. Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng đồng tình, cho rằng đó là phương án lố bịch.

Không còn lựa chọn nào khác ngoài bê tông?

Dù chưa có kết luận cuối cùng về phương án xử lý, khắc phục đình Lương Xá, nhưng các chuyên gia đều cho rằng khả năng lớn phải chấp nhận phương án cho tồn tại đình bê tông hiện nay, đưa cấu kiện gỗ còn lại vào lưu giữ.

Lựa chọn này có vẻ hợp lí trong bối cảnh hai phương án đầu đều khó thực hiện: Phương án phá hết công trình hiện nay đi, phục dựng lại theo đúng công trình cũ, sử dụng lai toàn bộ cấu kiện có giá trị đòi hỏi kinh phí cực tốn kém, không thể thực hiện được. KTS. Lê Thành Vinh cũng không đồng tình với phương án phục dựng hoàn toàn ở điểm này. Ở phương án 2, ông Vinh tiếp tục phân tích sự bất hợp lý bởi việc đưa cấu kiện gỗ hài hoà với khung bê tông hiện nay là điều không thể.

Hà Nội bàn phương án sửa sai cho đình Lương Xá
KTS. Lê Thành Vinh phân tích nên nghiêng về phương án 3, có sử dụng thêm một phần phương án 2. Cụ thể, Hà Nội để địa phương hoàn thiện cấu trúc đình gần nhất với không gian và tổng thể vốn có, phục dựng phần trang trí trên mái, nhất định phải dùng mái ngói. Hậu cung hoàn toàn làm bằng gỗ, có thể tận dụng từ các cấu kiện gỗ hiện nay được hạ giải từ đình cũ. Nếu làm được điều này thì dường như vẫn đảm bảo kinh phí hợp lý cho địa phương, người dân vẫn có không gian sinh hoạt văn hoá tâm linh đúng nghĩa.

“Bảo vệ di tích không chỉ bảo vệ riêng kiến trúc mà còn phải bảo tồn khung cảnh, không gian văn hoá xung quanh theo nhiều cách khác nhau. Kể cả di tích này bằng bê tông thì nó không được cứng nhắc, phải tìm cách hoàn thiện để trả lại không gian sinh hoạt cho cộng đồng”, KTS. Lê Thành Vinh nói.

Phương án khắc phục đình Lương Xá
PGS.TS. Phạm Mai Hùng đồng tình với phương án này. Tuy nhiên các nhà khoa học đều nhất trí đó là giải pháp tình thế, không thể đem áp dụng cho mọi công trình. “Việc phá đình Lương Xá là bài học lớn cho công tác quản lý di sản của Hà Nội và cả nước nói chung. Luật Di sản đã có, các văn bản dưới luật có đầy đủ nhưng tại sao thời nay ngay giữa thủ đô vẫn có vi phạm nghiêm trọng đến vậy”, ông nói. 

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến dù ghi nhận ý thức bảo vệ di sản của người dân Lương Xá thời gian qua, nhưng ông cũng cho rằng một phần sự việc như hiện nay do chính quyền thiếu hiểu biết. "Những cột gỗ hoàn toàn tiêu tâm đó là do mắt thường nhìn và tưởng vứt đi ngay, tuy nhiên công nghệ hiện nay vẫn có thể tận dụng vỏ ngoài và xử lý kỹ thuật đưa những cột gỗ đó vào xây dựng", ông nói.

Chưa truy trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm

Cuộc họp bàn phương án xử lý, khắc phục cho đình Lương Xá này chưa nhắc tới trách nhiệm cá nhân trong vụ việc. Trước đó, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký văn bản yêu cầu Sở VHTT Hà Nội hướng dẫn UBND huyện Ứng Hoà, UBND xã Liên Bạt phương án xử lý, đồng thời yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tô chức, cá nhân vi phạm.