Số mẫu thử này được lấy từ 18 container loại 20 feet hiện để tại cảng Tiên Sa, do chưa thỏa mãn với kết quả kiểm nghiệm ban đầu của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 2 (Quatest 2).
Theo báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng - Khu vực II (HQ KV2), 18 container loại 20 feet là của Cty Cổ phần thép Thành Lợi (Số 10, Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có số lượng lên đến 434 tấn với tổng giá trị trên 234.400 USD, và được nhập về từ Italia.
Trước đó, ngày 11/7, khi tiến hành kiểm hóa, chọn mở niêm phong ngẫu nhiên một số container, cán bộ HQ KV2 đã phát hiện mùi hôi thối nồng nặc cùng một số nước gỉ sắt phát ra từ các lô hàng này. Nghi ngờ đây là các lô rác thải có nguy cơ gây hại cho môi trường, cán bộ kiểm hóa đã làm tờ trình ngay trong ngày lên lãnh đạo HQ KV2.
Ngay sau đó, HQ KV2 đã yêu cầu Cty Cổ phần thép Thành Lợi mở niêm phong, kiểm tra các container còn lại, thì thấy tất cả đều nhầy nhụa tạp chất độc hại, lẫn lộn nhựa, nilông, vải vóc trong các mớ sắt vụn và đều có mùi hôi thối. Đồng thời, HQ KV2 tiếp tục yêu cầu Cty này lấy mẫu đi kiểm nghiệm tại Quatest 2.
Ngày 19/7, Quatest 2 đã cho kết quả kiểm định ban đầu, khẳng định trong tổng số 434 tấn hàng này có đến 5,11% là tạp chất nguy hại. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu bất thường nên phía hải quan, Cảnh sát môi trường - Công an TP Đà Nẵng đến nay vẫn chưa thông quan cho 18 container này và tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm.
Một cán bộ Cảnh sát môi trường trong buổi lấy mẫu thử sáng qua cho biết “Sau khi lấy mẫu thử xong tại 18 lô hàng này, chúng tôi sẽ niêm phong, gửi qua đường máy bay vào Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường Khu vực 3 ở TPHCM để tiếp tục kiểm định nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác. Do đó, chậm nhất trong 3 ngày nữa chúng tôi sẽ có thông báo chính thức”.
Tuy nhiên, qua quan sát bằng mắt thường, cán bộ cảnh sát môi trường cũng nhận định thêm “Trước hết, có thể thấy chủ hàng đã không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường do vi phạm các quy định tại điểm a (không phân loại chất thải nguy hại với chất thải thông thường) và điểm b (lẫn chất thải nguy hại), Khoản 1, Điều 43, Luật Bảo vệ môi trường.
Khi có kết luận chính thức tùy theo mức độ vi phạm có thể buộc chủ hàng phải tái xuất và chịu các mức hình phạt theo luật định”. Trao đổi về vấn đề này Thượng tá Phan Văn Thước, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP Đà Nẵng khẳng định cần phải điều tra làm rõ và có biện pháp xử lý nghiêm minh, mạnh mẽ nhằm ngăn chặn tái diễn tình trạng này.
Được biết, đây là vụ nhập thép phế liệu có chứa rác thải lớn nhất trên địa bàn từ trước đến nay.