Vụ “Nhà đài không trực tiếp giải bóng chuyền": Lãnh đạo Đức Long Gia Lai nói gì?

TPO - Việc Giải bóng chuyền VĐQG PV Oil năm 2014 không được truyền hình trực tiếp, không chỉ gây phẫn nộ với các CĐV. Bản thân các đội bóng cũng rất bức xúc khi mà thương hiệu của họ bị ảnh hưởng vì việc này.
Ông Phạm Anh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Đúng vào ngày khai mạc Giải bóng chuyền VĐQG PV Oil năm 2014 (8/7), trên một tờ báo có bài “Khán giả phẫn nộ vì không được xem trực tiếp Giải bóng chuyền Vô địch Quốc gia 2014”. Ngay sau khi được đăng tải, lập tức bài báo này thu hút đông đảo người hâm mộ bóng chuyền đón đọc và phản hồi, tạo ra làn sóng phẫn nộ hiếm có ở môn thể thao này từ trước tới nay. 


Nhân dịp này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Hùng- Tổng Giám đốc Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL), đơn vị chủ quản của các nhà đương kim vô địch quốc gia – CLB Đức Long Gia Lai. 

- Thưa ông! Ở đây có thể khẳng định rằng ĐLGL hiện là đội bóng tư nhân duy nhất trong làng bóng chuyền Việt Nam. Đồng tiền từ túi của bầu Pháp bỏ ra đi liền với khúc ruột, chắc hẳn Tập đoàn ĐLGL đau hơn ai hết về nỗi đau mà bài báo trên đã đề cập? 

- Ông Phạm Anh Hùng: Trước tiên xin cảm ơn tác giả của bài báo trên và những ai hâm mộ bóng chuyền đã quan tâm đến vấn đề này. Thực ra đây là đề tài không mới nhưng nó luôn luôn mang tính thời sự nóng bỏng ở môn bóng chuyền. 

Trước khi ĐLGL nhảy vào làm bóng chuyền và trong suốt 6 năm qua đầu tư vào lĩnh vực này, chúng tôi đã nhiều lần đề cập chuyện này lên trên mặt báo, góp ý trực tiếp với Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) về đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng tầm bóng chuyền nước nhà. Tiếc rằng nói mãi, nói hoài chẳng khác nào nước chảy lá môn, rồi chuyện đâu lại vào đấy. 

Mùa giải năm nay ĐLGL thi đấu ở bảng B tại Bạc Liêu, không có đài truyền hình nào phát sóng trực tiếp. Còn tại bảng A, nghe nói VTC và Đài truyền hình địa phương có phát vài trận… Như vậy là quá tệ, không thể nào chấp nhận được. 

Nên nhớ, các doanh nghiệp nói chung và ĐLGL nói riêng, đầu tư vào bóng chuyền, trước tiên thực hiện chủ trương xã hội hóa; tiếp đến vì đam mê của ông chủ; vì người hâm mộ tỉnh nhà và không thể không nói tới, đó là vì thương hiệu. 

Làm thương hiệu có nhiều cách, trong đó thông qua kênh truyền thông, truyền hình là hiệu quả bậc nhất. Bây giờ VFV lại để tái lặp tình cảnh này, chúng tôi chỉ biết than trời. Kết thúc giải đấu năm nay, có lẽ ĐLGL nên xem xét lại có nên đầu tư vào bóng chuyền nữa hay không. Bởi lẽ tấm thảm đỏ mà VFV trải ra… có gai. 

CLB Đức Long Gia Lai. 

- Có lẽ chúng ta cũng phải chia sẽ với VFV, vì hiện nay các nhà đài đang dồn tổng lực vào VCK World Cup 2014? 

- Ông Phạm Anh Hùng: Đó chỉ là cách nói mang tính ngụy biện mà thôi. Bởi lịch thi đấu VCK World Cup 2014 đã có từ rất lâu, tại sao VFV không biết cách né thời gian này để chọn lúc khác? Còn nếu thiếu tiền để phát sóng trực tiếp, thì mời các nhà tài trợ chi tiền, thậm chí kêu gọi các ông bầu hùn hạp để làm việc đó… Ở đây tôi rất ngạc nhiên, tại sao nhà tài trợ chính PV Oil chưa nghe nói năng gì về chuyện này. Như vậy khác nào ném tiền qua cửa sổ?! 

- Xin hỏi ông câu cuối! Là đội bóng tư nhân, mỗi năm ĐLGL bỏ ra bao nhiêu tiền để nuôi đội bóng? 

- Ông Phạm Anh Hùng: Khoảng 15 tỉ đồng. Vì Nhà thi đấu Gia Lai xuống cấp trầm trọng sau gần 20 năm sử dụng, nên hầu như quanh năm đội bóng chúng tôi phải di chuyển luân phiên ra Hà Nội, vào TP.Hồ Chí Minh… thuê khách sạn, thuê sân để tập luyện. Riêng số tiền trên chiếm khoảng 1/3 trong tổng chi cả năm. 

-Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!