Vụ đào đường, lắp ống bán nước trái phép: Sở Xây đựng Hà Nội nói gì?

TPO - Thay vì phục vụ các vùng “trắng” nước sạch của thành phố theo quy hoạch, đơn vị cung cấp nước sạch sông Đuống lại “thỏa thuận ngầm” để bán nước cho các khu vực chung cư - vốn đang ổn định theo mạng của thành phố. Đây là lý do, trong nhiều tuần nay, hàng nghìn hộ dân ở các khu chung cư Đại Thanh, Linh Đàm đang tập trung phản đối.  
Đại diện Sở Xây dựng khẳng định, việc đào đường, lắp đặt đường ống bán nước sông Đuống là trái quy định.

Chưa lập vùng phục vụ đã tự ý bán nước

Sau một thời gian chậm tiến độ, vừa qua dự án Đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống (Gia Lâm, Hà Nội) đã hoàn thành giai đoạn 1 và cung cấp thương mại khoảng 150.000 m3 nước /ngày đêm ra thị trường. Theo mục tiêu xây dựng dự án được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phê duyệt tại Quyết định số 2869 năm 2016, khi đi vào hoạt động dự án sẽ cung cấp nước cho các khu vực hệ thống đường ống nước của thành phố chưa phủ đến được, như khu vực phía Đông Bắc, bao gồm: quận Long Biên, các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn; khu vực phía Nam, bao gồm: quận Hoàng Mai, các huyện: Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín…

Tại quyết định này, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng lưu ý, khi nhà máy đi vào hoạt động và cung cấp nước thương mại ra thị thị trường, đơn vị cung cấp phải liên hệ với Sở Xây dựng để được hướng dẫn thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước theo đúng quy định; lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển vùng phục vụ của nhà đầu tư.

Để cung cấp nước đến thị trường, thời gian qua, cùng với đường ống chính có đường kính DN1600, nhà đầu tư đã xây dựng nhiều đường nhánh “xương cá” để cấp vào các khu dân cư. Trong đó có khu KĐT Đại Thanh, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì.

Theo đó, để phục vụ nhu cầu sử dụng nước của khoảng 10.000 nhân khẩu, nằm ở 6 tòa nhà cao tầng tại Đại Thanh, ngày 8/5, đại diện chủ đầu tư KĐT Đại Thanh và Cty CP Nước mặt Sông Đuống đã ký thỏa thuận cung cấp nước cho cả 6 tòa nhà. Tuy nhiên, với lý do, nguồn nước Sông Đà đang được cấp theo mạng đường ống của thành phố ổn định và lo ngại những phát sinh có thể xảy ra khi thay đổi đơn vị cung cấp mới, hơn 3 tuần qua nhiều hộ dân tại KĐT Đại Thanh đã phản đối BQL tự ý thay đổi đơn vị cung cấp nước sạch và gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng .

Cùng với đó, những ngày gần đây, nhiều người dân tại KĐT Linh Đàm (Hoàng Mai) cũng đang băn khoăn trước việc đại diện một số tòa nhà đưa ra ý kiến muốn thay đổi đơn vị cấp nước sinh hoạt mới.

Trao đổi với PV Tiền Phong về việc nhà đầu tư đã thực hiện các thủ tục theo quy định, trong đó có lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển vùng phục vụ cấp nước trong vùng phục vụ, chiều 30/5 đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở chưa nhận được kế hoạch trên của Cty CP Nước mặt Sông Đuống.

Cần loại bỏ “chen ngang”, “bắt tay ngầm”  

 Đánh giá về việc đại diện Cty CP Nước mặt Sông Đuống vừa đàm phán và ký thỏa thuận cung cấp nước cho các tòa nhà tại chung cư Đại Thanh, đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh: “Khi chưa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch cung cấp, phát triển vùng phụ vụ nhưng đã tiến hành ký thỏa thuận và đào đường, lắp đường ống bán nước là hoàn toàn trái quy định”.

Người dân KĐT Đại Thanh họp với các bên liên quan và giơ bảng ý kiến phản đối việc thay đơn vị cấp nước sạch.

Về việc cả đơn vị cung cấp nước và BQL KĐT Đại Thanh phối hợp tiến hành đào đường, lắp đường ống mới để bán nước sông Đuống, đại diện Sở Xây dựng cho hay, sau khi biết sự việc qua phản ánh của dư luận và báo chí, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo Thanh tra xuống kiểm tra. Qua năm bắt thực tế tại KĐT Đại Thanh, Thanh tra Sở đã  ghi nhận có sự việc đơn vị cung cấp nước và BQL KĐT Đại Thanh tự ý đào đường, lắp đường ống bán nước trái phép, Thanh tra đã lập biên bản đình chỉ thi công  và xử phạt các đơn vị vi phạm.

PGS.TS Ứng Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, hiện khu vực nội thành hoặc vùng dân cư đông người như Đại Thanh, Linh Đàm… hệ thống mạng lưới cấp nước do thành phố đầu tư đã gần như ổn định. Trong nhiều năm nay cả Cty Nước sạch Hà Nội và Cty Nước sạch Sông Đà (Viwaco) đã phân vùng để phục vụ ổn định. Với nguồn nước mặt sông Đuống, PGS.TS Ứng Quốc Dũng cho rằng, mục tiêu chính là để phục vụ khu vực chưa có nước sạch của thành phố, trong đó có Phú Xuyên, Thường Tín, Gia Lâm, Sóc Sơn…

Trưởng Phòng Trưởng Phòng Hạ tầng, Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, về nguyên tắc Cty CP Nước mặt Sông Đuống là đơn vị hình thành sau thì phải phục vụ những thị trường mới theo đúng mục tiêu của dự án. Trong trường hợp đơn vị muốn vào các khu vực dân cư như KĐT Đại Thanh, Linh Đàm… thì phải lập đề án, kế hoạch cung cấp nước để đại diện thành phố phê duyệt, điều tiết.; cùng với đó để phù hợp với nguyên tắc thị trường và không gây lãng phí cho hạ tầng thành phố đã đầu tư, nhà đầu tư phải làm việc, đàm phán với đơn vị cấp nước ở hiện tại để có sự đồng thuận. Cần tránh tình trạng “chen ngang” , “bắt tay ngầm” trên lĩnh vực tuy là sản phẩm thương mại nhưng lại có vai trò đảm bảo, ổn định xã hội và đang được Nhà nước, thành phố điều tiết, quản lý trực tiếp.