> Người ngông cuồng chống CSGT và bị bắn sắp là thạc sĩ
> Toàn cảnh vụ CSGT nổ súng bắn người ở Thanh Hóa
> Nhân chứng quay video clip vụ 'CSGT nổ súng' lên tiếng
"Xử lý nghiêm"
Đại tá Khương Duy Oanh cho hay, cơ quan công an đang tiếp tục xem xét những tình tiết của sự việc, căn cứ quy định của pháp luật để đưa ra kết luận vụ CSGT nổ súng bắn hai người bị thương hôm 16/7 là đúng hay sai. Nếu sai thì mức độ xử phạt như thế nào?
Căn cứ vào kết quả điều tra sự việc diễn ra cho đến thời điểm hiện nay, có thể nói, việc CSGT dùng súng bắn người vi phạm giao thông là chưa hợp lý. Có nhiều biện pháp để xử lý vi phạm người giao thông trong trường hợp này, chưa đến mức phải sử dụng súng - Đại tá Oanh nói.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, phía cơ quan công an, cũng như người nhà của CSGT bắn 2 người bị thương đã đến bệnh viện thăm, hỏi các nạn nhân bị thương.
Theo ông Oanh, quan điểm của cơ quan công an tỉnh là căn cứ các quy định pháp luật, sẽ xử lý nghiêm cả người vi phạm giao thông, và người nổ súng (khi xác định rõ là trong trường hợp chưa được phép nổ súng).
Vi phạm pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí?
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Trịnh Ngọc Ninh (Công ty luật Hợp danh Hoàng Gia, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Tại khoản 3, Điều 22 và Điều 33 của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có quy định các trường hợp được nổ súng gồm:
Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác. Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ. Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại...
Luật sư Trịnh Ngọc Ninh cũng cho rằng, xem xét các Điều, khoản trên cho thấy, nếu người tham gia giao thông vi phạm như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, không dừng lại theo hiệu lệnh của CSGT, thì chưa đủ cơ sở để CSGT được phép nổ súng bắn vào người.
Ngoài ra, căn cứ vào tỷ lệ phần trăm thương tích của người bị bắn mà người nổ súng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính. Khoản 5, Điều 234 (bộ luật hình sự năm 2009) quy định về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ: Người phạm tội có thể cấm bị đảm nhiệm chức vụ, cấm làm nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Nổ súng
Như tin đã đưa, theo kết quả điều tra, xác minh ban đầu của Công an TP Thanh Hóa và Thanh tra Công an tỉnh Thanh Hóa, khoảng 16h 30phút ngày 16/7, trong khi đang điều khiển giao thông tại ngã tư Lê Quý Đôn - Trần Phú, Đại úy Trần Ngọc Hoàng phát hiện hai người điều khiển xe máy mang biển kiểm soát 33L3 - 2457, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, nên dùng xe máy đuổi theo.
Thấy có xe CSGT đuổi theo đằng sau, hai thanh niên không những không dừng xe, mà còn cố tình bỏ chạy, có hành vi khiêu khích, trêu tức CSGT.
Khi đến phố Quang Trung I, phường Đông Vệ, Đại úy Hoàng nổ súng bắn đạn cao su cảnh cáo, nhưng hai người trên vẫn không chấp hành hiệu lệnh của CSGT. Đại úy Hoàng đã nổ súng làm Lê Văn Ngọc (sinh năm 1977, điều khiển xe máy) bị thương nhẹ vào vai trái và anh Tô Thế Kỷ (sinh năm 1970, ngồi sau) bị thương nhẹ ở má trái.
Không đồng tình
Căn cứ vào đoạn video quay sự việc CSGT đuổi và nổ súng khiến 2 người vi phạm giao thông bị thương, nhiều bạn đọc không đồng tình trước hành vi vi phạm giao thông, khiêu khích CSGT của Lê Văn Ngọc và Tô Thế Kỷ, đều trú xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa).
Trong đó, Lê Văn Ngọc là đảng viên, cán bộ của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.