Luật sư Nguyễn Văn Thắng (bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành) nghi ngờ nguyên nhân cái chết của Ngô Thanh Kiều có phải là do chấn thương sọ não hay không. Theo luật sư Thắng, nếu nạn nhân chấn thương sọ não thì tại sao vỏ não lại bình thường, không có dấu hiệu vỡ, dập; đồng thời, các biểu hiện lâm sàng của chấn thương sọ não của nạn nhân như nôn, ngất... theo các lời khai của bị cáo là không có.
Luật sư Thắng cho rằng nguyên nhân cái chết của Ngô Thanh Kiều là do sốc chấn thương do bị bỏ đói, bỏ khát, bị đánh đập, dọa nạt và nhất là bị đánh vào bộ hạ. Nguyên nhân này phù hợp với các biểu hiện lâm sàng và thời gian chết của Kiều theo lời khai của các bị cáo.
Luật sư Thắng cũng trình bày những luận cứ chứng tỏ kết quả giám định pháp y của Trung tâm Pháp Y tỉnh Phú Yên là không chính xác và đề nghị không dùng kết quả này để luận tội thân chủ của mình.
Liên quan đến nguyên nhân cái chết của Ngô Thanh Kiều, các luật sư bảo vệ quyền lợi của gia đình người bị hại cho rằng, việc nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị bắt giữ chia ra hai giai đoạn trước 8h do công an xã Hòa Đồng giữ, sau 8h thì công an TP Tuy Hòa tiếp nhận (cụ thể là hai bị cáo Phạm Ngọc Mẫn và Nguyễn Văn Quyền vào xét hỏi).
Bởi vậy, không loại trừ khả năng nạn nhân đã bị đánh và chấn thương sọ não trước đó. “Khi bị cáo Mẫn và Quyền vào thì thấy Kiều nằm dưới đất. Bị cáo Đỗ Như Huy cũng khai vào lúc 10h khi vào phòng xét hỏi thì thấy Kiều gục đầu xuống, không có phản ứng khi bị cáo Huy gõ vào bàn, đánh vào người. Đồng thời, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cũng khai rằng lúc 12h30 nhận nhiệm vụ vào trong coi Kiều thì thấy Kiều nghẹo cổ sang một bên, rớt dãi và 1 bên áo ướt đẫm”, các luật sư viện dẫn.
Theo luật sư Phạm Công Út, cần khởi tố việc bắt người trái pháp luật bởi không có lệnh bắt giữ Kiều cũng như không có chuyện “mời về làm việc” vào lúc 3h sáng đồng thời còng tay Kiều. Việc giữ Kiều tại CA TP Tuy Hòa cũng vi phạm luật tố tụng hình sự, bởi tại thời điểm bị bắt Ngô Thanh Kiều chưa phải là bị can, bị cáo và không có chứng cứ gì chứng minh Kiều tham gia các vụ trộm ngoài lời khai của Ngô Thanh Sơn (nhưng Trần Minh Cường khai Kiều chỉ đi theo học lái xe, không biết gì về các vụ trộm).
“Ngô Thanh kiều bị giam giữ, bị còng tay, còng chân, và bị đánh đập. Tại thời điểm đó, Ngô Thanh Kiều là một công dân bình thường nên những hành vi đó không phải là dùng nhục hình mà là cố ý gây thương tích và giết người”, luật sư Út nói.
Bị cáo Nguyễn Tấn Quang (đeo kính) xin HĐXX chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của mình. Ảnh: Giang Thanh
Các luật sư cũng nhấn mạnh liệu có hay không việc “thí tốt”, bỏ lọt tội phạm khi Phạm Ngọc Mẫn và Nguyễn Minh Quyền xét hỏi Kiều trong thời gian dài, Kiều đã có những biểu hiện mệt mỏi, ngấp nghé cái chết (lúc bị cáo Đỗ Như Huy đi vào) nhưng sau đó lại đổ tội cho Nguyễn Thân Thảo Thành (là người vào sau canh giữ Kiều).
Với nhân chứng Hà Văn Đại, luật sư Út nhấn mạnh, với tư cách là cán bộ công an, khi thấy hành vi đánh nạn nhân Ngô Thanh Kiều (theo lời khai của Đại) nhưng không ngăn cản mà bỏ ra ngoài, không báo cáo thì phải truy xét trách nhiệm chứ không thể để ở vai trò người làm chứng. “Chưa kể nhân chứng Hà Văn Đại còn tiền hậu bất nhất, thay đổi lời khai liên tục”, luật sư Út nói.
Chiều nay, HĐXX dự kiến tiếp tục phần tranh luận và tuyên án.
Đề nghị VKS chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo
Trình bày trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Tấn Quang xin lỗi gia đình người bị hại và xin HĐXX chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo. Theo bị cáo Quang, thời gian tiếp xúc của Quang với nạn nhân chỉ 15’, ít hơn rất nhiều so với Phạm Ngọc Mẫn và Nguyễn Minh Quyền nên trách nhiệm của bị cáo ít hơn Mẫn và Quyền.
Về việc VKS bác bỏ kháng cáo của bị cáo nhưng chấp nhận kháng cáo của Mẫn và Quyền, bị cáo thấy không hợp lí. Bởi xét tình tiết giảm nhẹ về nhân thân, bị cáo cũng có nhân thân tốt, có nhiều bằng khen của Chủ tịch nước, Bộ công an, UBND tỉnh..., gia đình bị cáo là gia đình có truyền thống cách mạng, con ruột bị cáo bị dị tật và cần có người chăm sóc.