Ngày 18/6, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã ký văn bản gửi Sở Tài nguyên Môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất, UBND TP.Vũng Tàu về phương án đấu giá 2 khu đất dự án mũi Nghinh Phong và dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân-Bãi Sau.
Theo đó, UBND TP.Vũng Tàu sớm tổ chức lập, điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 trục đường Thủy Vân; sớm hoàn tất việc bồi thường, giải phóng mặt bằng phần diện tích phía biển trục đường Thủy Vân, giao đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh để tổ chức bán đấu giá. Thời hạn hoàn thành trước ngày 25/6.
Khu vực bãi tắm Thùy Vân rộng khoảng 28 ha, kéo dài 3km từ cổng khu du lịch Paradise đến đường Phan Chu Trinh. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc quản lý, sử dụng đất, hạ tầng, quy hoạch tại bãi tắm Thùy Vân xảy ra nhiều sai phạm trong một thời gian dài. Cụ thể, năm 1996, Công ty Đầu tư xây lắp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lúc đó là doanh nghiệp thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (nay là Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC) được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao 3.000m2 bờ biển để đầu tư cải tạo, nâng cấp xây dựng bãi tắm Thùy Vân hết hơn 122 tỷ đồng.
Lúc đó, Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa-Vũng Tàu là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và chịu sự quản lý của Sở Xây dựng, có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất cho Nhà nước. Đầu tháng 12/1997, công ty này ký hợp đồng thuê gần 177.000 m2 đất để xây dựng bãi tắm. Thời hạn thuê đất là thời gian còn lại của hợp đồng trước.
Theo quy định, mỗi năm doanh nghiệp phải nộp gần 1,7 tỷ đồng tiền thuê đất vào ngân sách. Cuối năm 1997, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất này cho Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa - Vũng Tàu.
Từ năm 2005 đến 2017, Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa-Vũng Tàu cổ phần hóa và có 12 lần thay đổi pháp nhân. Đến tháng 4/2017, từ một doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa-Vũng Tàu trên trở thành Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC không còn vốn Nhà nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất. Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chưa thanh lý hợp đồng cũ và ký lại hợp đồng với đơn vị đã cổ phần hóa.
Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kết luận tháng 12/1997, Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa-Vũng Tàu ký hợp đồng liên kết đầu tư xây dựng một phần dự án bãi tắm Thùy Vân với Công ty Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ Du lịch (nay là Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng-DIC).
Theo đó, Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa-Vũng Tàu cho DIC thuê lại mặt bằng từ cổng Tôm Càng Xanh đến khách sạn Thùy Dương dài 400m với diện tích 40.000m2 trong thời hạn 50 năm. Ngày 14/6/2004, DIC thu hồi 8.000m2 đất ở bãi tắm Thùy Vân để góp vốn với Công ty CP Việt Đức thành lập doanh nghiệp mới mang tên Công ty TNHH Thương mại dịch vụ DIC.
Đến tháng 12/2013, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ DIC đã chuyển nhượng khu đất kèm nhà hàng Seaview Việt Đức có diện tích hơn 6.800m2 với giá 13,3 tỷ đồng cho Công ty CP Du lịch và thương mại DIC.
Trong khi đó, đoạn từ khách sạn Thùy Dương đến khu du lịch Bimexco đã được Công ty CP Du lịch quốc tế Vũng Tàu tiếp nhận bàn giao để đầu tư công trình du lịch biển. Hiện tại, Công ty CP Du lịch quốc tế Vũng Tàu quản lý, sử dụng một phần bãi tắm gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất do ngân sách tỉnh đầu tư với số tiền hơn 3,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định 7 doanh nghiệp khác quản lý, sử dụng các phần đất vốn thuộc tổng diện tích đất tại Bãi Sau do tỉnh giao cho Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa-Vũng Tàu từ năm 1997. Cụ thể là Công ty CP Quốc tế du lịch Hải Dương (diện tích 10.900m2), Công ty CP Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (diện tích 54.171m2), Công ty OSC Việt Nam (25.153m2), Công ty TNHH Janhold OSC (7.681m2), Công ty CP Khách sạn Du lịch Tháng Mười (16.536m2), Công ty Nghinh Phong (32.835m2).
Năm 2018, Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành quyết định thu hồi nộp ngân sách nhà nước theo quy định số tiền hơn 326 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh du lịch tại bãi tắm Thùy Vân. Trong đó, Công ty CP bất động sản và đầu tư VRC phải nộp hơn 36 tỷ đồng trong cả 2 giai đoạn từ năm 1996-2017. Thu hồi nộp ngân sách số tiền hơn 25,6 tỷ đồng là khoản tiền ngân sách tỉnh đã đầu tư 6 công trình hạ tầng kỹ thuật mà một số doanh nghiệp sử dụng nhưng không nộp tiền thuê hạ tầng từ trước đến nay.
Hồi cuối tháng 5, trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Vũng Tàu đã gửi thông báo cho 9 doanh nghiệp “xài chùa” hơn 28 ha đất bãi biển ở Bãi Sau, đề nghị bàn giao mặt bằng trước ngày 31/5. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa bàn giao đất cho TP.Vũng Tàu.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng giao Sở Tài nguyên Môi trường sớm hoàn thiện thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đề xuất chủ trương đầu tư trên khu đất có diện tích 13,8 ha tại mũi Nghi Phong để tổ chức bán đấu giá theo tiến độ đã được phê duyệt.
Trong kế hoạch bán đấu giá các khu đất công của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khu đất mũi Nghinh Phong có diện tích 21,7 ha, trong đó có 7,9ha sẽ thực hiện giao khu vực biển không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và 13,8ha. Dự kiến khu đất sẽ được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm dự kiến hơn 1.494 tỷ đồng.
Mũi Nghinh Phong là khu “đất vàng” khi một mặt giáp biển, một mặt giáp núi, nằm ngay điểm tiếp giáp giữa 2 đường bờ biển Thùy Vân-Hạ Long, được xem là khu đất đẹp nhất TP.Vũng Tàu. Theo quyết định số 3421 ngày 16/12/2019, mật độ xây dựng tại khu đất là 25%, được xây tối đa 3 tầng đối với công trình tại các khu vực có ký hiệu D14C, D14D, D14E; Được xây tối đa 28 tầng đối với công trình trên khu vực có ký hiệu D14A và D14B.