Vợ chồng nhà văn xứ Huế và lá thư gửi ông Bộ trưởng

TP - Những người làm văn chương ở Huế có một câu thơ tự trào: “Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt. Một đứa vợ la chín đứa kinh”. Tự ngợi ca tính tập thể, cưu mang đùm bọc nhau của phái mày râu, trước phụ nữ Huế bầy choa như rứa đó(!).

Nhưng đó là trường hợp vợ của những ai, chứ riêng với nhà văn Nguyễn Quang Hà, thì một trong những diễm phúc lớn của ông là được làm rể xứ Huế.

Chàng rể Bắc... kỳ cục

Tôi gặp và quen thân Nguyễn Quang Hà ở trại sáng tác Vũng Tàu năm 1982. Đó là trại sáng tác đầu tiên do Hội Nhà văn Việt Nam mở ở phía Nam, dành cho các tác giả từ Thừa Thiên- Huế trở vào (Riêng phía Bắc chỉ có ba nhà văn được đặc cách, là Chu Văn Mười, Nguyễn Quang Thân và Hoàng Minh Tường).

Hầu hết những cây bút dự trại sáng tác này, ít lâu sau đều trở thành những tác giả chủ lực, những “thương hiệu” uy tín của văn chương đương đại (Nhật Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Quang Thân, Chu Văn Mười, Đào Hiếu, Nguyễn Nhật Ánh, Chu Hồng Hải, Trần Thuỳ Mai, Dạ Ngân, Đinh Thu Vân, Lý Lan, Trà Giang vv...).

Về trại sáng tác này, cần phải có một cuốn hồi ký mới nói hết các sự kiện, các bi hài kịch, các diễm tình éo le...(Ví như việc nhiều xác chết của người di tản táp vào cửa các phòng viết bên bờ biển; vụ tưởng niệm nhà văn Nguyên Hồng và bài thơ khóc ông của nhà thơ Trần Mạnh Hảo gây không ít tai tiếng và hệ lụy; vụ đấu tranh quan điểm nghệ thuật giữa phái “bảo thủ” và phe “cấp tiến”; cuộc tình sét đánh của hai nhà văn Nguyễn Quang Thân - Dạ Ngân vv...).

Riêng với hai nhà văn xứ Huế, ấn tượng ban đầu của tôi thật khó quên. Cô giáo, nhà văn Trần Thùy Mai, sắp làm mẹ, ôm “trái địa cầu” nặng nề lê bước một cách rón rén và nâng niu, lúc nào cũng “dạ”, nhỏ nhẹ gần như thầm thì. Còn nhà văn Nguyễn Quang Hà ngay khi hớt hải đặt ba lô ở phòng viết, mặt lúc nào cũng thảng thốt, như sắp có sự biến gì. Sao thế nhỉ ? Vợ Nguyễn Quang Hà mới sinh con gái, sao anh vẫn không vui lên được? Anh em thì thào với nhau rằng, ông giáo đặc công xứ  Kinh Bắc này có đời sống gia đình hết sức éo le.

Cô giáo Võ Thị Quỳnh, người quê gốc Quảng Trị, đang dạy văn ở trường chuyên Bình Trị Thiên đặt tại trường Hai Bà Trưng Huế mê thơ văn ông như điếu đổ, mê luôn cả cái chất Bắc... kỳ cục trong con người ông, là người vợ thứ hai, vừa cưới.

Ngày thầy giáo Nguyễn Mạnh Tràng (sau này khi làm phóng viên báo Cờ Giải Phóng, lấy bút danh là Nguyễn Quang Hà, chàng trai họ Nguyễn này quê làng Quang Biểu, xã Quang Châu, tỉnh Hà Bắc), sung vào đại đội Ngô Gia Tự, đội quân tình nguyện gồm 155 thầy giáo Hà Bắc, tình nguyện vào chiến trường Thừa Thiên – Huế chiến đấu (năm 1967), anh đã có gia đình với vợ và hai con đề huề.

Ngày chiến thắng trở về, trong đàn con, anh thấy dôi ra một đứa không rõ căn nguyên. Ngay đêm ấy, thầy giáo Nguyễn Mạnh Tràng nuốt nước mắt, khoác ba lô vào lại Huế, nơi anh đã chiến đấu sinh tử, đã chôn cất hầu hết đại đội giáo viên Ngô Gia Tự của mình. Rồi cơ duyên với xứ Huế, những ngày buồn chán ấy đã cho nhà văn làm quen với cô giáo Võ Thị Quỳnh.

Có người khuyên cô giáo: “Ông nhà văn Bắc... kỳ cục ấy, có hàng tạ gánh nặng, đang tải rơ-mooc một mẹ già với mấy loại con riêng, dính vào chi cho khổ”. Hàng trăm lời thị phi. Nhưng cô giáo Quỳnh đã quyết làm vợ nhà văn, tình nguyện nuôi mẹ và hai con riêng của anh.

Trại viết vừa khai mạc được năm ngày thì có điện khẩn từ Huế của cô giáo Quỳnh: Mẹ ốm nặng, khó qua khỏi. Nguyễn Quang Hà vội vã từ biệt bạn văn chúng tôi, từ giã Vũng Tàu.

Chuyến về Huế ấy, gói trọn một tháng biến cố hỷ-nộ-ái-ố mà đời người ít ai trải qua như Nguyễn Quang Hà: Người mẹ từ Hà Bắc vào (để đón đứa cháu gái nội Nguyễn Thị Quỳnh Hương vừa chào đời tròn hai mươi ngày), đã đổ bệnh, qua đời.

Qua cái tang của mẹ chồng, rồi qua cả những năm tháng nghiệt ngã, đời sống khó khăn chồng chất (1980-1990),vậy mà một mình cô giáo Quỳnh vừa dạy học nuôi con, lại nuôi dạy thêm hai đứa con riêng của chồng, thật xứng đáng là người đàn bà xứ Huế tuyệt vời.

Bẵng đi hơn chục năm, năm 1998, tình cờ tôi đến dự khai trương phòng tranh nghệ thuật hoa lá ép ở Hà Nội. Và tôi vô cùng ngạc nhiên khi nữ tác giả phòng tranh là cô giáo trường Quốc học Huế Võ Thị Quỳnh, vợ nhà văn Nguyễn Quang Hà.

Một họa sỹ đích thực với một chất liệu lạ: “Người nghệ sỹ đã thổi linh hồn mình lên chất liệu để tạo nên những tác phẩm hội họa”, như nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhận xét. Thì ra đam mê với hoa lá cây cỏ đã sớm nảy nở ở Quỳnh từ hồi chị còn là một cô bé lang thang theo cha đi tìm cây thuốc quanh những bìa làng ngoại ô thị xã Quảng Trị.

Cha Quỳnh là một thầy thuốc đông nam dược. Trong khi cha đi tìm thuốc thì cô bé lại mải mê đi sưu tầm các loài hoa lá đẹp về ép trong những trang vở học trò. Thế rồi sau trận ốm nặng năm 1992, do phải nằm viện rất lâu, tưởng chừng không qua khỏi, cô giáo Quỳnh càng nâng niu trân trọng cái quý giá của cuộc sống.

Quỳnh tâm sự: “Đời hoa, kiếp đời lộng lẫy huy hoàng, nhưng lại được xem là mong manh nhất. Tôi nhớ lại tuổi thơ và muốn tìm cách lưu giữ lâu bền những sắc lá màu hoa, được trò chuyện, kéo dài đời hoa, kéo dài những ký ức một thời”.

Bức tranh ép dán bằng hoa lá khô với chủ đề năm Con Gà là tác phẩm mở đầu sau khi cô giáo Quỳnh xuất viện. Cả nhà trầm trồ. Bạn bè ngạc nhiên khích lệ. Nhà văn Nguyễn Quang Hà tặng vợ liền ba mươi khung tranh và hứa đi đâu, thấy loại hoa, lá, rễ cây nào lạ, đẹp, sẽ mang về tặng vợ làm tác phẩm.

Thế rồi lần lượt những cuộc triển lãm về tranh hoa lá ép của cô giáo Võ Thị Quỳnh được tổ chức ở Đà Nẵng (1993), Huế (1994), Hà Nội (1998), TP Hồ Chí Minh (2001). Hơn một trăm tác phẩm với đủ các loại kỳ hoa dị thảo được ra mắt công chúng, được khách hàng trong và ngoài nước đặt mua.

Chính trong thời gian cô giáo Võ Thị Quỳnh thăng hoa trong nghề nghiệp, liên tục là giáo viên giỏi văn trường Quốc học Huế, có nhiều tác phẩm tranh hoa lá ép được “xuất khẩu” ra thế giới, thì chàng rể người Bắc...kỳ, nhà văn Nguyễn Quang Hà, thực sự được quê vợ tin dùng, đưa lên làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương.

Một thời Sông Hương cuộn sóng

Thực ra, với Huế, Nguyễn Quang Hà không chỉ sống hơn ba chục năm theo nghĩa đen, thập tử nhất sinh, năm lần lên bàn mổ để lấy đạn trong đầu, trong ổ bụng...; là đệ tử ruột của đơn vị biệt động, có biệt danh “Công trường 5” của vị chỉ huy anh hùng Thân Trọng Một; làm phóng viên mặt trận báo Cờ Giải Phóng, nhiều lần suýt chết trong những vùng lõm tử địa quanh thành Huế..., mà ông đã máu thịt với Huế như từ những kiếp nào.

Nhưng để được tin dùng, chàng rể Nguyễn Quang Hà phải làm lính qua bốn đời Tổng biên tập (Nguyễn Khoa Điềm, Tổng biên tập đầu tiên, rồi Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu). Sông Hương, đặc biệt từ thời Tổng biên tập Tô Nhuận Vỹ, với đội ngũ biên tập viên, cộng tác viên lừng danh: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Nguyễn Quang Hà, Bửu Chỉ, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Vàng Sao, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hà Khánh Linh, Lê Thị Mây, Trần Thuỳ Mai, Hải Bằng, Nguyễn Đắc Xuân, Vĩnh Quyền, Võ Quê, Nguyễn Quang Lập, Ngô Minh, Nguyễn Khắc Thạch vv... đã chiếm lĩnh văn đàn cả nước, tạo thành một hiện tượng, một tâm điểm, có sức lan tỏa và mời gọi hầu hết những ai yêu mến văn chương ở trong nước và hải ngoại.

Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, Tổng biên tập đời thứ 5 của Sông Hương từng viết về người tiền nhiệm của mình: “Nhà văn Tô Nhuận Vỹ thuộc tạng trí giả nhạo thủy. Anh thấy được thế giới quan biến dịch và đặt Sông Hương vào trạng thái động. Thời điểm Tô Nhuận Vỹ nhận nhiệm vụ Tổng biên tập đúng vào lúc cả nước bước vào công cuộc đổi mới. Trong không khí háo hức đó và với bầu tâm huyết nóng sốt của mình, anh đã đề ra những ý tưởng táo bạo nhằm cải tổ Sông Hương và cũng nhằm tác động vào đời sống xã hội...”.

Thế rồi dục tốc bất đạt. Nguyễn Khắc Thạch viết tiếp: “Dấu ấn Tổng biên tập Tô Nhuận Vỹ còn được gắn với sự kiện đình bản lần thứ nhất của Sông Hương, mà cho tới nay, sau hàng chục năm vẫn chưa hóa giải được”.

Nhà văn Nguyễn Quang Hà nhận nhiệm vụ Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương sau hai đời sếp nữa, ấy là thời Tổng biên tập Nguyễn Khắc Phê bị đình chỉ chức vụ và Sông Hương tạm thời đình bản (lần thứ hai). Rồi thời Tổng biên tập Hồng Nhu, người được anh em văn nghệ ở Huế yêu mến gọi là  ông “vừa Hồng vừa Nhu”.

Qua bốn đời tổng biên tập, Nguyễn Quang Hà đã đi guốc trong bụng Sông Hương - vẫn theo nhận xét của Nguyễn Khắc Thạch - Khi cờ đến tay, anh muốn phất cho Sông Hương “đổi dòng” từ bằng lặng chuyển qua cuồn cuộn như Sông Hồng.

Nguyễn Quang Hà tôn thờ khí phách Cao Bá Quát, thích câu thơ họ Cao viết về sông Hương: “Trường Giang như kiếm lập thanh thiên”. Và anh đã nhờ người thư pháp giỏi, viết treo trang trọng câu thơ thần ấy ở nơi làm việc. Nhưng rồi mọi nỗ lực của anh đều vấp phải những trở lực. Trong tình thế đó, càng dấn thân, càng hư sự. Sông Hương bị bóc bài đến lần thứ tư. Có người đùa rằng, một mình Tổng biên tập Nguyễn Quang Hà được bốn thẻ vàng, tương đương hai thẻ đỏ, bằng số thẻ đỏ hai Tổng biên tập Tô Nhuận Vỹ và Nguyễn Khắc Phê cộng lại(!)

Không biết có phải vì những ngày tháng nặng nề và cay cực ấy mà một khối u đã phát sinh trong ổ bụng nhà văn xứ Kinh Bắc? Nguyễn Quang Hà lên bàn mổ và vĩnh viễn đeo một cái bị ở bên sườn cho tới khi ra khỏi cõi đời. Đã hơn mười năm, từ ngày tôi cùng ông đi trại sáng tác Thanh Hoá, năm 1997, ông vẫn đeo cái bị đại tràng ấy, vẫn cố ý lảng tránh mọi cuộc chè chén. Và buổi sáng, bao giờ cũng chỉ ăn một hộp sữa chua và  mấy lát bánh mỳ.

*  * *

Căn nhà ấm cúng  của vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Hà nằm gần bờ sông An Cựu, thường là nơi lui tới của khách văn.“ Cứ đến nhà mình nhé. Vợ và con gái mình, cả bà mẹ vợ mới chuyển về sống với bọn mình, chỉ muốn mình đông khách. Hai thằng con trai và một đứa con gái đã lập gia thất, có nhà ở riêng rồi. Bà Quỳnh nhà mình lo cho cả đấy. Quỳnh còn bảo mình nói bọn trẻ đón mẹ và em chúng từ Bắc Giang vào cho mẹ con, anh em gần gũi chăm sóc nhau...”. Không nhiều người nói về vợ trìu mến trân trọng như Nguyễn Quang Hà.

“Bác là ông con rể xứ Huế hạnh phúc nhất - Tôi nói - Chồng viết văn, vợ và con gái phụ trách hai lò luyện văn lớn nhất thành phố là trường Quốc học và khoa văn Đại học Huế, bác vừa viết sách xong là có người bình ngay”.

“Mình thì lại nghĩ, hạnh phúc lớn nhất của nhà văn là trả được món nợ tinh thần. Cả đời văn của mình chỉ viết về những người lính, những đồng đội đã sống chết với Thừa Thiên – Huế...”

Tôi nghĩ đến Vùng lõm, cuốn tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Quang Hà viết về vùng ngoại ô Huế những năm 1972-1973 ác liệt, ông vừa tặng tôi. Tính từ tập thơ đầu tay “Tiếng gà trên điểm chốt”, in năm 1975, đến tiểu thuyết Vùng lõm, ông đã xuất bản 26 đầu sách, trong đó Vùng lõm là cuốn tiểu thuyết thứ 13. Một sức làm việc đáng khâm phục.

Viết để tái hiện và lưu giữ, vẫn chưa đủ. Nguyễn Quang Hà còn vận động 15 thầy giáo còn sống (trong 155 chiến sỹ đại đội Ngô Gia Tự), đi tìm kiếm, qui tập hài cốt những người bạn chiến đấu đưa về cho gia đình, quê hương. Trong khoảnh vườn chật hẹp nhà mình, vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Hà  vẫn dành chỗ dựng một tượng đài mini biểu tượng cho trang sách, ngòi bút để tưởng nhớ 139 thầy giáo - chiến sĩ xứ Kinh Bắc đã hy sinh trên đất Huế.

Từ Huế đau đáu với ngôi trường Nguyễn Hoàng

Cô giáo Võ Thị Quỳnh, mùa thu năm 2009 này nhận sổ hưu tại trường Quốc học. Hơn ba mươi năm đứng trên bục giảng, trong đó có nhiều năm dạy chuyên văn, nhiều năm là giáo viên chủ nhiệm, “người chở đò ngang” ấy đã biết bao lần chở đạo qua sông? Bao nhiêu học sinh của cô giáo Quỳnh đã giành giải quốc gia học sinh giỏi văn, có lẽ chính cô cũng không nhớ hết.

Chỉ tính riêng năm học 2008-2009, năm cuối cùng trước khi nhận sổ hưu, lớp 12 chuyên văn Quốc học Huế do cô giáo Quỳnh chủ nhiệm đã có học sinh đạt 55,5 điểm, á khoa toàn quốc, có học sinh được nhận học bổng “Mãi mãi tuổi 20” (cả nước chỉ có 16 em). Riêng đội học sinh chuyên văn do cô giáo Quỳnh dìu dắt, cả 6 em đều đoạt giải quốc gia, trong đó có một giải nhì, ba giải ba, hai giải khuyến khích.

Nhưng thành tích lớn nhất trong đời dạy học của cô giáo Quỳnh là đã truyền nghề và niềm say mê văn chương, tình yêu con người cho chính đứa con gái yêu của mình. Nguyễn Thị Quỳnh Hương thừa hưởng gien bố mẹ, liên tục là học sinh giỏi văn nhiều năm, đã nhận bằng thạc sỹ văn chương, hiện là giảng viên trường Đại học Huế. Ngay khi cô giáo Quỳnh nghỉ hưu ở trường Quốc học, cô đã nhận được lời mời về dạy môn văn cùng với con gái ở Đại học Huế.

“Thế còn dự định mở xưởng tranh ép hoa lá?” – Tôi nhìn nhanh căn phòng, nơi treo những tác phẩm tranh ghép của cô giáo Quỳnh.

“Hiện giờ tôi đành phải gác lại, để lo cho công trình về trường Nguyễn  Hoàng của tôi anh ạ”.

Cô giáo Quỳnh mang ra sáu tập sách dày, khổ lớn, mỗi tập chừng bẩy, tám trăm trang, đặt trước mặt tôi. Tưởng là những bộ tiểu thuyết của ông chồng đáng kính. Hóa ra không phải. Mỗi tập một màu bìa khác nhau, đều có chung một tựa đề: “Trường Nguyễn Hoàng, chân dung và kỷ niệm”. Trời ơi, cả một kỳ công tập hợp, một tình yêu âm ỉ với mái trường xưa. Từng tập, từng tập, ghi lại những hồi ức, những kỷ niệm, những gương mặt, những thế hệ học trò trường Nguyễn Hoàng trôi nổi, phiêu bạt khắp mọi miền đất nước, khắp các châu lục địa cầu.

Còn kỳ công hơn cả những tác phẩm dán cắt bằng hoa lá, cô giáo Võ Thị Quỳnh mỗi tháng phải viết hàng trăm lá thư gửi đến các châu lục, đi nhiều nơi, tới nhiều địa chỉ để tìm đến những thầy cô giáo, học sinh cũ của trường Nguyễn Hoàng. Cô dự định phải in tới mười tập, bẩy tám nghìn trang, hàng vạn bản, mới chứa đựng hết tình yêu, nỗi nhớ với ngôi trường xưa.

“Tôi vừa gửi một lá thư, kèm theo năm tập sách này lên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thỉnh cầu ông cho Quảng Trị lấy lại tên trường Nguyễn Hoàng. Nhân có anh, cũng là nhà văn xuất thân từ ngành giáo dục, tôi nhờ anh tìm cách để ông Bộ trưởng đọc được lá thư này...”.

Tôi trân trọng đón bức thư viết tay của cô giáo Võ Thị Quỳnh. Lá thư đầy tâm huyết:

“... Huế, 24.4.2009.

Kính thưa thầy giáo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

Tôi là Võ Thị Quỳnh, giáo viên tổ văn chuyên trường THPT Quốc Học Huế, mạo muội kính gửi lá thư nhỏ đến Bộ trưởng...

...Từ năm 1952, đã có một ngôi trường công lập duy nhất của tỉnh Quảng Trị được vinh dự mang tên Chúa Tiên Nguyễn Hoàng...Ngôi trường đã tồn tại hơn một phần tư thế kỷ. Ngày Quảng Trị được giải phóng, ngôi trường xưa chỉ còn là bình địa, đổ nát tang thương. Trên nền đất cũ, bắt đầu dựng nên một ngôi trường mới khang trang có tên trường Trung học Triệu Phong, rồi đổi thành trường Trung học thị xã Quảng Trị..

...Đã hơn 34 năm, những thế hệ thầy trò chúng tôi vẫn thuỷ chung hướng vọng về ngôi trường, vẫn đau đáu mong mỏi có một ngày trường sẽ được vinh dự mang lại tên Chúa Tiên Nguyễn Hoàng như xưa...”

Tôi không hiểu khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được những tập sách: “Trường Nguyễn Hoàng, chân dung và kỷ niệm”, rồi được đọc những dòng thư này, ông sẽ nghĩ gì? Riêng tôi, ở địa vị ông, tôi sẽ tự hào lắm, vui sướng lắm, vì  trong đội ngũ trồng người của mình, có một đồng nghiệp như cô giáo Võ Thị Quỳnh.

Về ngôi trường trung học mang tên Nguyễn Hoàng của thị xã Quảng Trị và nguyện vọng được đặt lại tên cho ngôi trường, chính tôi cũng không hiểu vì sao lại nhiêu khê, phiền toái đến mức phải thỉnh cầu tới ông Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng? Có điều gì khuất tất ở đây? Riêng tôi, dù vị chúa phong kiến này có thể vẫn đang được (bị) nhìn dưới những quan điểm khác nhau, thì tôi vẫn cam đoan rằng ông là vị tiền nhân có công mở cõi, sánh ngang với các vị anh hùng lập quốc, các vĩ nhân dựng nghiệp.

Ngay từ năm 1558, khi Nguyễn Hoàng đặt chân lên Ái Tử, Quảng Trị, lập tức ông đã mang lại cho Đàng Trong một động lực vươn xa, đã hướng mọi nguồn lực, nhân lực Đại Việt bay tới phương Nam, tới chót Mũi Cà Mâu, để hơn bốn trăm năm sau nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ cảm khái: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Nguyễn Hoàng rất xứng đáng được đặt tên cho nhiều xa lộ, đại lộ hoành tráng, chứ đâu chỉ tên một ngôi trường trung học?

Tôi cám ơn cô giáo Võ Thị Quỳnh, cám ơn nhà văn Nguyễn Quang Hà và hứa sẽ tìm cách để ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù bận ngàn công triệu việc, vẫn nên đọc và nghĩ ngợi về lá thư viết từ xứ Huế.

Tháng 8.2009