Vợ bác sĩ Hoàng Công Lương làm đơn xin cho chồng được xét xử vắng mặt

TPO - Ngày 7/1, bà Đinh Thị Huyền Thư (SN 1986) đã gửi đơn đề nghị TAND TP Hòa Bình cho chồng bà là bị cáo Hoàng Công Lương – nguyên bác sĩ Đơn nguyên thận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình) được xét xử vắng mặt.
Bị cáo Hoàng Công Lương tại tòa án TP Hòa Bình.

Theo đơn của bà Như, ngày 24/12/2018, ông Lương đã phải điều trị tại Khoa Nội thần kinh BV Hòa Bình sau khi được gia đình đưa đi cấp cứu tại đây. Lý do, ông Hoàng Công Lương đang hoảng loạn, sốc tâm lý lại nhận được giấy triệu tập bị cáo và quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP Hòa Bình.

Hôm sau, Hoàng Công Lương được chuyển đến BV Bạch Mai khám và điều trị, kết quả cho thấy bị cáo này mắc rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm, phải uống thuốc 1 tháng và tái khám theo quy định. Ngày 30/12/2018, ông Lương tiếp tục phải vào BV Hòa Bình cấp cứu, đến nay vẫn đang điều trị.

Vì vậy, bà Đinh Thị Huyền Thư mong tòa án xem xét hoàn cảnh và sức khỏe của chồng mình không thể có mặt tại phiên tòa ngày 8/1; khi điều kiện sức khỏe tốt hơn sẽ lập tức tham gia phiên tòa.

Trong vụ án, bị đơn dân sự trong vụ án được xác định là BV Hòa Bình và Cty CP dược phẩm Thiên Sơn. Có 7 bị cáo phải hầu tòa gồm Hoàng Công Lương; Bùi Mạnh Quốc – GĐ Cty xử lý nước Trâm Anh; Trần Văn Sơn – cán bộ phòng vật tư BV Hòa Bình; Trần Văn Thắng – trưởng phòng vật tư BV Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu – Phó GĐ BV Hòa Bình; Trương Quý Dương – GĐ BV Hòa Bình và Đỗ Anh Tuấn – GĐ Cty Thiên Sơn.

Theo truy tố, tháng 9/2010, bị can Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BV Hòa Bình ký với bị can Đỗ Anh Tuấn - GĐ Cty Thiên Sơn hợp đồng mua sắm thiết bị chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, tại Đơn nguyên thận thuộc Khoa hồi sức cấp cứu BV Hòa Bình không có kỹ sư hoặc kỹ thuật viên về chất lượng nước dùng cho lọc máu.

Tháng 4/2017, bị can Trần Văn Sơn - cán bộ Phòng vật tư BV Hòa Bình phát hiện hệ thống lọc nước RO số 2 dùng trong chạy thận hỏng nên lập biên bản và được Trần Văn Thắng - Trưởng phòng vật tư, Hoàng Công Lương - bác sĩ phụ trách Đơn nguyên thận ký đề nghị sửa chữa. BV Hòa Bình đã thuê Cty Thiên Sơn sửa chữa với giá gần 100 triệu đồng nhưng doanh nghiệp này thuê lại Bùi Mạnh Quốc - GĐ Cty xử lý nước Trâm Anh thi công với giá chỉ gần 50 triệu đồng.

Ngày 28/5/2017, Quốc sửa chữa, tẩy rửa màng lọc RO và vô ý để axit lẫn vào trong hệ thống. Tuy vậy, Quốc vẫn thông báo tới Trần Văn Sơn việc sửa chữa đã xong nên Sơn báo lại cho điều dưỡng tại Đơn nguyên thận việc này. Sáng hôm sau, Hoàng Công Lương chỉ nhận tin từ điều dưỡng viên - người không có trách nhiệm về chất lượng nước nói đã sửa chữa xong nhưng đã ra y lệnh chạy thận khiến 8 người chết. Vì vậy, các bị can Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”.

Tiếp đến, bị can Hoàng Đình Khiếu - Phó GĐ BV Hòa Bình phụ trách Phòng vật tư kiêm Trưởng khoa hồi sức được xác định buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng hệ thống lọc nước RO sau khi sửa chữa được sử dụng luôn khi chưa có kết quả kiểm tra, xét nghiệm… Bị can Trần Văn Thắng thiếu kiểm tra cấp dưới (Trần Văn Sơn), không làm hết trách nhiệm tham mưu với cấp trên… góp phần gây ra hậu quả vụ án.

Tương tự, bị can Trương Quý Dương đã không làm hết nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý với cấp dưới dẫn tới vi phạm trong thời gian dài. Bị can Đỗ Anh Tuấn là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề liên quan Cty Thiên Sơn nhưng đã bỏ mặc bị can Quốc tự sửa chữa hệ thống lọc nước. Vì vậy, VKSND truy tố các bị can Trần Văn Sơn, Trần Văn Thắng, Hoàng Đình Khiếu, Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Trương Quý Dương - nguyên GĐ BV Hòa Bình.

Theo VKSND tỉnh Hòa Bình, hậu quả vụ án có trách nhiệm về quản lý Nhà nước với hoạt động chữa bệnh bằng kỹ thuật nhân tạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hòa Bình. Cụ thể, kỹ thuật nhân tạo được thực hiện thường quy tại nhiều bệnh viện trên cả nước nhưng trước ngày 29/5/2017, Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn, quy trình thận nhân tạo, không có quy trình kiểm soát và đảm bảo chất lượng nước RO. Đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản hướng dẫn hoặc quy định về chủ thể đủ điều kiện, tiêu chuẩn sửa chữa bảo dưỡng hệ thống RO trong chạy thận. 

Đặc biệt, VKSND cho rằng có dấu hiệu buông lỏng trong quản lý Nhà nước về kiểm soát chất lượng nước dùng cho lọc máu nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh. Đây là một trong những điều kiện góp phần gây ra hậu quả vụ án. Ngoài ra, các cơ quan y tế cũng không kiểm tra, thanh tra thường xuyên về hoạt động lọc máu của BV Hòa Bình. Do đó, VKSND tỉnh Hòa Bình sẽ có kiến nghị về việc bổ sung, sửa đổi những quy định liên quan hoạt động lọc máu tại các cơ sở y tế trên cả nước.