Vitamine D không phải là 'thần dược' ngăn chặn SARS-CoV-2

TPO - Gần đây, một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng vitamin D có thể giúp cứu sống người bệnh bị nhiễm virus corona chủng mới.Tuy nhiên, cũng vào thời điểm đó, đã có nhiều cảnh báo rằng nghiên cứu này chưa được các nhà nghiên cứu khác xem xét và không đưa ra những kết luận về một thử nghiệm lâm sàng thực tế, trong đó vitamin D sẽ được so sánh với giả dược.
Bổ sung vitamin D quá liều cũng gây ra tác hại.

Các nhà nghiên cứu cũng không đo mức vitamin D ở bệnh nhân COVID-19, thay vào đó, họ xem xét dữ liệu của những bệnh nhân khác và sử dụng các thông số sức khỏe khác để xác định mức độ vitamin D dự kiến.

Đã có nhiều khuyến cáo được đưa ra về việc không nên cố gắng phòng ngừa hoặc điều trị COVID-19 tại nhà bằng vitamin hoặc các thực phẩm chức năng khác được quảng cáo trên phương tiện truyền thông xã hội là có tác dụng ngăn chặn virus, hoặc làm theo những hướng dẫn của bác sĩ trên mạng.

Cuối cùng, chỉ sau một vài tuần, một nghiên cứu mới đây đã cảnh báo rằng vitamin D liều cao không thể ngăn ngừa hoặc điều trị COVID-19.

Các nhà khoa học từ một số trường đại học và tổ chức y tế của Vương quốc Anh và Mỹ đã đăng một bài báo trên tạp chí BMJ Nutrition, Prevention and Health (tạp chí y học về Dinh dưỡng, Phòng ngừa và Sức khỏe) giải thích rằng, không có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh tác dụng hữu hiệu của vitamin D trong liệu pháp COVID-19.

Trong bài báo, các nhà nghiên cứu đã viết: “Thông tin về virus SARS-CoV-2  và bệnh COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra tiếp tục lan truyền rộng rãi, đã làm dấy lên những kêu gọi bổ sung vitamin D liều cao trên diện rộng. Những lời kêu gọi này không được sự hỗ trợ từ các nghiên cứu thích hợp ở người vào thời điểm này, mà dựa trên những suy đoán về các cơ chế hoạt động phỏng đoán”.

Các nhà nghiên cứu cho biết, hiện nay nhiều nghiên cứu vẫn đang được tiến hành có thể cung cấp câu trả lời về tác dụng của vitamin D đối với COVID-19. Và cho đến khi những nghiên cứu này có kết quả, việc bổ sung vitamin-D là việc làm không nên khuyến cáo.

Nhóm nghiên cứu đề xuất tiến hành thêm những thử nghiệm thích hợp về vitamin D để đánh giá hiệu quả của việc bổ sung vitamin D đối với những người nhiễm COVID-19. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết: “Cho đến khi có bằng chứng khoa học mạnh mẽ hơn về vitamin D, chúng tôi mạnh mẽ cảnh báo không sử dụng bổ sung vitamin D liều cao (lớn hơn giới hạn trên 4000 đơn vị / ngày (100 microgram / ngày)”.

Nghiên cứu mới này không xem nhẹ việc thiếu hụt vitamin D, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giải quyết sự thiếu hụt vitamin D hoặc tăng cường bổ sung loại vitamin này sẽ có tác dụng trước virus corona chủng mới.

Phát biểu trên Thời báo Ấn độ, Carolyn Greig thuộc Đại học Birmingham, cho biết: “Hầu hết việc tổng hợp vitamin D của con người xảy ra qua quá trình tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, do vậy đối với nhiều người, đặc biệt là những người đang tự cách ly trong đại dịch hiện nay, việc cung cấp đủ vitamin D có thể là một thách thức thực sự. Và mặc dù có một số bằng chứng cho thấy lượng vitamin D trong cơ thể thấp có liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, nhưng hiện tại không đủ bằng chứng về việc vitamin D có thể điều trị COVID-19 và cần phải tránh việc bổ sung vitamin D quá mức vì điều này có thể gây ra tác hại”.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, một chế độ ăn uống hợp lý, bao gồm việc sử dụng các loại cá giàu chất béo, thịt đỏ, lòng đỏ trứng, sữa và thực phẩm chức sẽ cung cấp nhiều vitamin D. Thêm vào đó là việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời một cách an toàn cũng sẽ làm tăng mức vitamin D. Người bệnh nên tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia y tế nếu họ cần giải quyết bất kỳ vẫn đề tiềm năng nào liên quan đến thiếu hụt vitamin D.


Theo The New York Post