Virus Cúm A/H5N1 quay lại có độc lực mạnh hơn!

TP - Chỉ trong hơn hai tháng đầu năm 2010, Việt Nam có bốn bệnh nhân mắc cúm A/H5N1, một bệnh nhân đã tử vong. Bộ Y tế nhận định, virus H5N1 đã quay trở lại với sức hủy diệt mạnh hơn.

>> Trường hợp đầu tiên dương tính với cúm A/H5N1 tại Hà Nội

Bệnh nhân T. (Sóc Sơn, Hà Nội) đang điều trị tại khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (ảnh chụp tối 12-3). - Ảnh: Xuân Phú

TS Lê Quỳnh Mai - Trưởng khoa Virus (Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư) cho biết, nghiên cứu mới nhất do các chuyên gia dịch tễ của Viện cho thấy, qua phân lập hơn 300 virus cúm A/H5N1 trên gia cầm và người bệnh tại Việt Nam, có tới ít nhất bảy nhóm kháng nguyên trên virus cúm gia cầm.

Các nhà khoa học phát hiện có sự trao đổi và tích hợp giữa các virus cúm A/H5N1 lưu hành tại nước ta, cũng như ghi nhận được sự đồng tiến hóa của các phân đoạn gene giữa các bộ gene khác nhau của virus cúm.

Đây là nguyên nhân tạo ra dòng virus mới trên đàn gia cầm tại Việt Nam chứ không phải virus ngoại lai.

Đặc biệt, nghiên cứu mới này đã chỉ ra sự tiến hóa quá nhanh của virus cúm A/H5N1 và đều thuộc chủng độc lực cao.

Các chuyên gia đã phát hiện một số thay đổi của kháng nguyên làm giảm độ nhạy của thuốc điều trị cúm.

TS Mai lo ngại những thay đổi theo chiều hướng tăng độc lực của virus H5N1 sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

Nhóm bác sỹ, y tá trực tại phòng cách ly khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai (ảnh chụp chiều tối 12-3) - Ảnh: Xuân Phú

Các chuyên gia dịch tễ quan ngại, có thể trong thời gian tới sẽ xuất hiện một loại virus mới, được tạo ra từ sự tái tổ hợp của các chủng virus cũ.

TS Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, nguy cơ dịch cúm gia cầm trên người bùng phát mạnh trở lại rất dễ xảy ra, do người dân ở nhiều địa phương, đặc biệt dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn giết mổ và ăn thịt gia cầm mắc bệnh.

Cục Thú y cho biết, cả nước hiện còn sáu tỉnh là Cà Mau, Nghệ An, Điện Biên, Khánh Hòa, Tuyên Quang và Hà Giang có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

Theo nhận định của đại diện Cục Thú y, vài năm qua, dịch cúm gia cầm không bùng phát mạnh đã làm nhiều địa phương chủ quan trong công tác phòng chống.

TS Nga nhận định, thời tiết đông xuân thuận lợi cho virus phát triển, trong khi đó Việt Nam đang cùng lúc có sự tồn tại của virus cúm A/H1N1, cúm A/H5N1 ở người, và cúm gia cầm rất dễ làm cho dịch lan rộng ra nhiều địa phương.

Trước nguy cơ dịch cúm A/H5N1 lan rộng, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra khuyến cáo mạnh về các biện pháp phòng chống.

Theo đó, người dân phải tuyệt đối thực hiện ăn chín, uống sôi, không sử dụng, tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với gia cầm.

Cùng với đó, đẩy mạnh giám sát dịch cúm gia cầm, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm chưa qua kiểm dịch. 

Hôm qua, Bộ Y tế thông báo, Hà Nội có một bệnh nhân mắc cúm A/H5N1. Bệnh nhân nữ, 25 tuổi, thường trú tại xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn. Khởi phát bệnh ngày 5-3 với triệu chứng sốt 38oC, ho, đau họng, đau đầu, khó thở.

Ngày 7-3, bệnh nhân đến bệnh viện Bắc Thăng Long khám và được chẩn đoán viêm phổi nghi do virus. Tại đây, bệnh nhân đã được điều trị thuốc kháng virus, kháng sinh hỗ trợ.

Tuy nhiên, ngày 10-3, bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Hiện bệnh nhân đang được thở máy, điều trị tích cực tại Khoa Điều trị tích cực - Bệnh viện Bạch Mai.

Điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, từ đầu tháng 3-2010 đến nay, khu vực xung quanh nhà bệnh nhân có gia cầm ốm/chết rải rác. Ngày 11-3, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư khẳng định kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H5N1.