Vinh danh những anh hùng biển cả

TP - Sáng 10/8, tại Hải Phòng, 3 người lính Hải quân nhân dân Việt Nam đã được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Dịp này, tàu HQ-671 cũng được công bố là bảo vật quốc gia.
Ông Nguyễn Thiện Nhân trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Quách Sanh (ảnh nhỏ), ông Năm Phước và đại diện gia đình liệt sĩ Ðồng Quốc Bình. Ảnh: NGUYỄN SƠN.

Chuyến tàu đặc biệt

Những người có mặt ở hội trường Bộ Tư lệnh Hải quân sáng qua chứng kiến cuộc hội ngộ xúc động giữa Anh hùng LLVTND Nguyễn Hữu Phước và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân. 54 năm trước, Tàu vận tải chi viện vũ khí 69 thuộc Đoàn 125 (nay là Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân) do ông Phước làm thuyền trưởng nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí và đưa đón bốn cán bộ cách mạng từ Bắc vào Nam kháng chiến. Hai trong số bốn cán bộ là bà Bảy Dân - vợ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và ông Nguyễn Thiện Thành - bố đẻ ông Nguyễn Thiện Nhân.

Tại buổi lễ trang trọng này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Thiện Nhân đã trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND cho ông Nguyễn Hữu Phước, ông Phạm Xuân Sanh - Bí danh Quách Sanh, nguyên Đội trưởng Đội 179, Đoàn 126 Đặc công Hải quân (nay là Đội 3, Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân) và đại diện gia đình liệt sĩ Đồng Quốc Bình - nguyên chiến sĩ Hàng hải, Trung đoàn 171 (nay là Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân).

Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Thiện Nhân xúc động nói: “Lần nào đến thăm cô Bảy Dân, chúng tôi cũng nhắc đến chuyến tàu không số năm đó. Nhờ sự quan tâm của các cấp, hôm nay 2 chú Năm Phước, Quách Sanh và liệt sĩ Đồng Quốc Bình được tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là sự ghi nhận, tuy muộn, nhưng xứng đáng với sự đóng góp của các chú và cũng là sự cổ vũ cho rất nhiều sĩ quan, chiến sĩ đã chiến đấu thời chống Mỹ. Lúc cha tôi còn sống vẫn nhắc tới chuyến đi năm đó, vì sau 3 lần mới tới được vị trí tập kết vì cả 3 lần ra biển đều gặp tàu địch phải quay lại. Sau ngày ba tôi mất, tôi luôn thôi thúc đi tìm người thuyền trưởng đã chở ba tôi vào Nam, nhân duyên đã cho tôi gặp được chú Năm Phước tại Cần Thơ. Tôi tin rằng giờ phút này, anh linh anh hùng liệt sĩ Đồng Quốc Bình cũng ở đây chứng kiến buổi lễ trang trọng này, và tôi tin rằng ba tôi cũng đang ở đây chia vui với chú Năm Phước...”.

Chiến tích lưu sử sách

Theo Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, một trong những chiến công tiêu biểu nhất của ông Năm Phước là trận chiến đấu đêm 31/12/1966. Ông Phước cùng 18 đồng đội xuất phát ngày 15/4/1966 từ  bến K15 Đồ Sơn - Hải Phòng, vận chuyển vũ khí vào chiến trường Nam giao cho Đoàn 962 của Quân khu 9, tại Bến Vàm Lũng, tỉnh Cà Mau. Nhưng trong đêm 31/12/1966, khi Tàu 69 trở ra miền Bắc, vừa ra khỏi bến Vàm Lũng khoảng 50km thì bị địch phát hiện, đánh phá ác liệt. Cuộc chiến đấu giữa Tàu 69 với 6 tàu cao tốc và 2 máy bay địch diễn ra nhiều giờ trên biển. Ông Phước đã mưu trí, quyết đoán chỉ huy Tàu 69 vừa quay lại bến, vừa nổ súng chiến đấu bắn chìm 1 tàu cao tốc và 5 chiếc tàu khác của địch bị hư hỏng, buộc chúng phải rút chạy. Cuộc bao vây, truy sát của địch bị thất bại hoàn toàn, Tàu 69 đã nghi binh lừa địch về vị trí ém quân an toàn.

Còn người đội trưởng gan dạ, mưu trí Quách Sanh đã chiến đấu bí mật sâu trong hậu cứ của địch tại chiến trường miền Nam 10 năm (1966-1975). Ông trực tiếp tham gia chiến đấu 21 trận, cùng tập thể Đội đánh sập 10 cầu, đánh chìm 1 pháo hạm Mỹ, 6 hải thuyền ngụy, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Bản thân ông 7 lần bị thương, nhưng vẫn kiên cường bám đơn vị chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất.

Căn cứ hải quân Bãi Cháy (Quảng Ninh) là mục tiêu Mỹ tập trung đánh phá sau khi dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”. Chiều 5/8/1964, hàng chục máy bay phản lực chia thành nhiều tốp lao xuống đánh vào khu vực tàu ta đang neo đậu ở Cửa Lục, làm một số tàu và lực lượng pháo cao xạ của ta bị thiệt hại nặng. Đang làm nhiệm vụ chuyển đạn lên mâm pháo, binh nhất Đồng Quốc Bình bị thương ở chân trong đợt oanh tạc đầu tiên. Đợt oanh tạc thứ hai, anh bị thương nặng vào bụng đến lòi ruột nhưng vẫn nén đau đỡ từng băng đạn cho đồng đội. Khi một loạt đạn của địch bắn trúng hòm đạn trên tàu bốc cháy, anh vẫn cố nhoài người dùng sinh lực còn lại đẩy băng đạn ra xa khỏi đám cháy để tránh thương vong cho đồng đội. Được đưa ra mạn phải tàu băng bó nhưng Đồng Quốc Bình vẫn gắng sức tham gia chiến đấu và ra đi mãi mãi ở tuổi 20…             

“Tôi tin rằng giờ phút này, anh linh anh hùng liệt sĩ Ðồng Quốc Bình cũng ở đây chứng kiến buổi lễ trang trọng này, và tôi tin rằng ba tôi cũng đang ở đây chia vui với chú Năm Phước...”

Bí thư Thành ủy TPHCM NGUYỄN THIỆN NHÂN

Ðược Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia, tàu vận tải quân sự số hiệu HQ-671 có tải trọng 50 tấn, lực giãn nước 165 tấn, do Trung Quốc sản xuất, viện trợ cho Việt Nam từ năm 1964. Ðầu năm 1967, Tàu mang số hiệu C41. Tháng 7/1971, Tàu mang số hiệu 641 và đến năm 1980, Tàu mang số hiệu HQ-671. Ðây là con tàu “Không số” duy nhất còn lại của những chiến công tiêu biểu “Ðường Hồ Chí Minh trên biển”.