Vĩnh biệt nhà sử học vĩ đại Hà Văn Tấn

TP - Người cuối cùng trong “tứ trụ” sử học danh tiếng bậc nhất thời hiện đại đã rời cõi tạm, về gặp ba đại danh Lâm-Lê-Vượng ở cõi vĩnh hằng. Sự ra đi của GS Hà Văn Tấn để lại cho đồng nghiệp và học trò niềm tiếc nhớ khôn cùng và một khoảng trống trong giới nghiên cứu không thể khỏa lấp.
Bộ tứ sử học (từ trái qua) Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê chụp ảnh cùng ông bà GS Trần Văn Giàu

NGƯỜI THẦY LỚN

Giới sử học, khảo cổ học và nghiên cứu văn hóa năm ngoái vừa tiếc thương tiễn biệt GS.TS.NGND Phan Huy Lê về với GS Đinh Xuân Lâm và GS Trần Quốc Vượng. Nay bộ tứ danh tiếng ấy đủ đầy ở cõi thiên thu. Sau gần 20 năm chống chọi với bệnh tật, GS Hà Văn Tấn trút hơi thở cuối cùng vào 21h tối 27/11, hưởng thọ 82 tuổi.

GS Hà Văn Tấn sinh năm 1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1955 tốt nghiệp lớp 9, ông ra Hà Nội vừa học vừa làm. Một năm sau ông vào học khoa Sử ĐH Sư phạm và tốt nghiệp năm 20 tuổi, được giữ lại trường dạy môn Lịch sử cổ đại Việt Nam, dưới sự điều hành của GS Đào Duy Anh.

Năm 23 tuổi, ông Tấn được GS Đào Duy Anh giao cho làm hiệu đính và chú dẫn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (Phan Duy Tiếp dịch). Bản chú dẫn dài gấp bốn lần nội dung sách khiến nhiều người sửng sốt, bởi sự thông kim bác cổ. Sinh thời, GS Phan Huy Lê đánh giá: Tài năng và phong cách khoa học của GS Hà Văn Tấn sớm bộc lộ trong công trình đầu tay này.

GS Hà Văn Tấn gắn bó với nghề dạy học suốt gần 50 năm tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH KHXH&NV Hà Nội). Trong suốt thời gian ấy, ông công bố hơn 250 công trình trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước, là thầy hướng dẫn cho hơn 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học và khảo cổ. Nhà nước phong hàm giáo sư cho ông năm 1980, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1997 và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 năm 2001. Ông cũng được nhận các danh hiệu cao quý khác như Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì.

GS Hà Văn Tấn còn được đồng nghiệp và học trò ngưỡng mộ ở tư cách một nhà khảo cổ học lão thành. Trong mắt người học trò như TS Nguyễn Gia Đối, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học, GS Tấn là người thầy trí tuệ sáng suốt, thông thạo nhiều thứ tiếng, hầu hết do ông tự mày mò học hỏi. Ông sử dụng tốt chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, Nga, Đức, Nhật, trong đó tiếng Đức tự học qua sách tiếng Nga còn tiếng Nhật tự học qua sách tiếng Trung, thậm chí tự học ngôn ngữ Phạn thông qua tiếng Đức. Ông là người duy nhất ở Việt Nam đọc được chữ Phạn cổ.

GS Hà Văn Tấn

TS Nguyễn Hồng Kiên, học trò thân cận với GS Tấn, một ngày sau khi thầy ra đi vẫn chưa thể bình tâm để nói đôi lời về thầy mình, nên chỉ chia sẻ lại bài viết giản dị. Trong bài viết giới thiệu sách in ở cuốn Cửa sổ lịch sử văn hóa Việt Nam của GS Hà Văn Tấn, TS Kiên bày tỏ: Một trong những điều luôn muốn học thầy là cách viết. “Các vấn đề phức tạp được thầy diễn đạt bằng văn phong khúc triết, khoa học nhưng giản dị, dễ hiểu”. Chỉ riêng cuốn Cửa sổ lịch sử văn hóa Việt Nam theo Nguyễn Hồng Kiên đã trở thành “giáo khoa thư” với đầy đủ ý nghĩa nhất. Những bài nghiên cứu đều có tính phương pháp luận, xây dựng lý thuyết cho việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam.

NỖI NIỀM DANG DỞ

Cả cuộc đời GS Hà Văn Tấn phụng sự khoa học, đào tạo nhiều thế hệ học trò hiện là những nhà nghiên cứu hàng đầu của đất nước. TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học đánh giá GS Tấn “đã tiếp bước, nối gót và sáng tạo rất tích cực những chỉ dạy của những người thầy như GS Đào Duy Anh, GS Trần Văn Giàu”.

GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung coi GS Hà Văn Tấn là ngọn cờ đầu, người tiên phong và một trong những người xây dựng nền móng cho nền khảo cổ học hiện đại Việt Nam. “Chưa nhà khảo cổ học nào thực sự là nhà khảo cổ học như thầy Tấn, tức là nghiên cứu khảo cổ học một cách bài bản, theo đúng các lĩnh vực chuyên sâu. Thầy Tấn thông hiểu nhiều lĩnh vực từ Phật giáo, triết học cho đến lịch sử văn hóa Việt Nam trong đó khảo cổ là một trong những lĩnh vực thầy chuyên sâu nhất. Thầy tiếp cận rất kịp thời học thuật nước ngoài, quan hệ rộng với quốc tế, đặc biệt là Đông Nam Á. Nói đến khảo cổ học Việt Nam, bao giờ giới sử học cũng nhắc thầy Tấn”, GS Mỹ Dung nói.

Không được may mắn như GS Phan Huy Lê (minh mẫn và say mê nghiên cứu sử cho tới ngày về trời), GS Hà Văn Tấn đột ngột ốm nặng năm 2001. Điều này không chỉ là đáng tiếc cho bản thân giáo sư, mà còn là tổn thất và khoảng trống khó lấp đầy trong giới nghiên cứu sử học, khảo cổ học.

“Thầy Tấn ốm sớm quá, khi ấy thầy mới hơn 60 tuổi đang trong độ chín của học thuật. Chính vì thế thầy không thể tiếp tục phát huy trí tuệ trong nghiên cứu khảo cổ học. Dù sau đó thầy vẫn có nhiều nhận xét minh mẫn nhưng tôi cho rằng, với trí tuệ uyên bác của thầy, 20 năm qua nếu không ốm thì ngành khảo cổ học Việt Nam, lịch sử và văn hóa Việt Nam thêm nhiều thành tựu”, GS Mỹ Dung nói. GS Dung nhắc tới nhiều vấn đề người thầy lớn đặt ra tới nay chưa được giải quyết như câu chuyện ở Hoàng thành Thăng Long, hoặc những nghiên cứu về văn hóa Phùng Nguyên.

Một người học trò gần với thầy Hà Văn Tấn nữa là PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, nói thêm: GS Tấn muốn giải quyết đến cùng vấn đề văn hóa Phùng Nguyên với việc tìm hiểu ngọn nguồn dân tộc Việt Nam. GS lâm bệnh, vấn đề ấy dở dang và giờ theo ông về cõi vĩnh hằng. PGS Tín nói, các học trò của GS Tấn dù mong muốn nhưng chưa chắc kế tục được tinh thần và ý chí khoa học của thầy để hoàn thiện những dự định đó.

GS. Hà Văn Tấn là người sáng lập phương pháp luận sử học, là Chủ nhiệm Bộ môn Phương pháp luận sử học, Khoa Lịch sử (1982 - 2009); Viện trưởng Viện Khảo cổ học Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam (1988-2008). Một số đầu sách, công trình tiêu biểu: Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Thời đại đá, Một số vấn đề về lí luận sử học, Theo dấu các văn hóa cổ (công trình nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh), Buổi đầu giữ nước-Thời Hùng Vương.